Lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26



Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã được Chính phủ vạch ra, và những bước đi đầu tiên trong hành trình ấy cũng đã được kích hoạt…

Phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo

Phát biểu tại buổi hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hồi tháng 12/2021, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.

Cùng với Gói Thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris cơ bản được hoàn tất, là cơ sở để các nước triển khai Thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Tấn cho biết, để thực thi những cam kết COP26 của Việt Nam, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam…Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26.

Về lộ trình cụ thể, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các dự án phát triển ít phát thải.

Đặc biệt, Bộ sẽ hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 và xây dựng Báo cáo quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm khẳng định các nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam cùng với nhu cầu hỗ trợ gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030, chủ trì đánh giá tiến độ thực hiện hàng năm; xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phù hợp với cam kết tại COP26.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi; triển khai áp dụng các công cụ định giá cacbon, bao gồm thuế cacbon và phát triển thị trường cacbon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường.

Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì triển khai công tác “ngoại giao khí hậu” nhằm huy động hỗ trợ quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt phát thải ròng bằng “0”, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế, diễn đàn đa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh huy động nguồn lực và xây dựng lộ trình tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển kinh tế-xã hội với tầm nhìn dài hạn góp phần đạt được mục tiêu cam kết; nghiên cứu, thí điểm triển khai các công cụ kinh tế, tài chính để thực hiện lộ trình. Hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam triển khai các dự án phát triển, đặc biệt các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang dự án theo Cơ chế phát triển bền vững (SDM) phù hợp với quy định trong Bộ Quy tắc Hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các nỗ lực đóng góp giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, bảo đảm mục tiêu thực hiện cam kết, trong đó có giảm khí methane trong nông nghiệp đến năm 2030; rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon từ rừng theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng tín chỉ thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm quyền lợi và khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển rừng; chủ trì triển khai Ý định thư và các sáng kiến đã tham gia tại COP26 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

Bộ Công thương chủ trì rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về sự phù hợp tham gia tuyên bố chấm dứt việc sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu từ nay đến năm 2040, xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh phù hợp với cam kết; tham gia các sáng kiến liên quan đến lĩnh vực xây dựng đã được công bố tại Hội nghị COP26.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành nghiên cứu phương án phát triển điện hạt nhân; tổ chức thực hiện các nghiên cứu phát triển năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, địa nhiệt; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những bước đi đầu tiên trong triển khai cam kết COP26

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong lộ trình hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo ngày 13/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo nêu rõ, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là vấn đề quan trọng với Việt Nam – một nước đang phát triển, đồng thời là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

“Chống biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của cả thế giới. Do là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động tới toàn dân, mọi doanh nghiệp nên phải được tiếp cận toàn dân, mọi doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành rà soát bổ sung thể chế; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý… để thực hiện các cam kết, chống biến đổi khí hậu.

Ngay trong năm 2022, chương trình tổng thể phải ban hành được, trong đó dự báo được tình hình; mục tiêu, quan điểm; nhiệm vụ, giải pháp; kế hoạch tổ chức thực hiện; huy động nguồn lực… để trình cấp có thể quyền xem xét… Các bộ, ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch thuộc bộ, ngành mình về chống biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã phân tích, thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; các định hướng đề xuất chương trình, dự án triển khai; nhu cầu hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; định hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đón đầu các dòng vốn tín dụng, đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng…

Chỉ ít ngày sau cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Bên cạnh đó, 1.662 cơ sở thuộc ngành công thương; 70 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 104 cơ sở thuộc ngành xây dựng; 76 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong triển khai các mục tiêu khí hậu

Các đối tác phát triển quốc tế đã thể hiện mong muốn và cam kết đồng hành với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết khí hậu sau Hội nghị COP26. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết giảm phát thải khí methane đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 – Hành động của Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và mong muốn nhận được sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức, đóng góp tài chính để thực hiện nhiệm vụ cao cả, nhưng vô cùng khó khăn này.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực thảo luận để ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác quan trọng, trong đó có các đối tác phát triển và các nước, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Bộ trưởng kêu gọi các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sớm triển khai các hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế chúc mừng Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ trong khuôn khổ Hội nghị COP26, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình biến các cam kết đó thành hiện thực.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam:

Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này.

Mức phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn Chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward:

Việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã thể hiện một cách ấn tượng vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương thức kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho quốc gia và đưa ra những biện pháp quản lý thích hợp, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti:

Tôi xin chúc mừng Việt Nam về các kết quả đạt được tại COP26. Chúng tôi rất ủng hộ những cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra liên quan đến các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu, và hoàn toàn hy vọng rằng Việt Nam sẽ đạt được các cam kết đó.

Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam cũng là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần chú ý đến các hành động giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu của mình để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Có thể thấy rằng đây là một tham vọng rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới để có thể hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của mình theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đại diện cho 27 quốc gia thành viên, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như có những hỗ trợ về mặt chuyên môn, kiến thức cho Việt Nam trong hành trình của mình. Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng đồng hành cùng với Việt Nam trong tiến tình thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy phát triển carbon thấp, những hoạt động chống chịu biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như thúc đẩy các chính sách phát triển xanh, bảo đảm có những hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu thực sự hiệu quả. Hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong những lộ trình, chuyến đi sắp tới.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers:

Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ trong việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Những hoạt động này rất có ý nghĩa với trẻ em tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chúng ta phải đưa trẻ nhỏ vào trung tâm của các hành động về khí hậu, những chính sách liên quan đến giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, vì đây là vấn đề liên thế hệ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cũng cần được đưa vào trong quá trình đàm phán và ra quyết định về khí hậu, vì tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ nhỏ cũng như tương lai của các nền kinh tế.

Trong suốt 45 năm qua cũng như những năm tới, UNICEF đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các chính phủ của các quốc gia trong mọi tiến trình, trong đó có tiến trình thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu để có thể thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của trẻ nhỏ. Chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tất cả các chủ thể, trong đó có các chủ thể về kinh tế tư nhân để mang lại lợi ích cho trẻ nhỏ, bảo đảm mục tiêu không trẻ nhỏ nào tụt hậu lại phía sau. Nếu chúng ta hợp tác với nhau, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam có thể chuyển những cam kết của mình thành những hành động cụ thể để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ nhỏ của chúng ta.

Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro :

Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành công và kết quả tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Chúng ta đã xác định được các mục tiêu, bây giờ là lúc chúng ta cần phải hành động. Chúng ta phải duy trì, tăng cường các thông lệ tốt như là thường xuyên có các đối thoại, thảo luận, trao đổi giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, như những gì chúng ta đã làm trong những năm vừa qua. Về phía Italia, chúng tôi sẽ luôn là đối tác đồng hành với Việt Nam trong những nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã đưa ra những quyết định hết sức đúng đắn tại COP26, tuy nhiên điều này cũng đem lại thách thức lớn cho Việt Nam, đòi hỏi phải có quyết tâm lớn hơn nữa để hiện thực hóa những quyết định đó. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình thực hiện các cam kết tại COP26, có thể thông qua cơ chế song phương cũng như thông qua Liên minh châu Âu. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp cùng các tổ chức khác để hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản vay ODA, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kĩ thuật để giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Chúng ta cũng hiểu rằng không chỉ giữa Việt Nam với các đối tác phát triển nước ngoài, mà bản thân nội bộ Việt Nam cũng cần có chế phối hợp hiệu quả hơn giữa cấp trung ương và địa phương. Như vậy là tất cả mọi người, các bên, các chủ thể đều phải bắt tay với nhau, chung tay góp sức thì chúng ta mới thực hiện được những mục tiêu đó.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie:

Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đối với các hành động khí hậu tại COP26. Tham vọng của các cam kết này cho chúng ta thấy, đối với những nền kinh tế như Việt Nam cần có những dịch chuyển quan trọng trong thời gian tới. Australia và Việt Nam chia sẻ nhiều thách thức giống nhau cũng như các điểm tương đồng trong quá trình dịch chuyển năng lượng. Giống Việt Nam, Australia cũng tập trung vào các giải pháp hoàn toàn có thể nhân rộng để đạt được phát thải ròng bằng “0” cũng như phi carbon cho các hoạt động kinh tế. Chúng tôi rất mong muốn thúc đẩy hợp tác đối tác với Việt Nam dựa trên những nền tảng giống nhau này.

Australia ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của Việt Nam trong thúc đẩy những vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như đạt được các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các đối tác ở Việt Nam để có thể thiết kế và triển khai các dự án về năng lượng tái tạo. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiên cứu để xác định phạm vi, kinh nghiệm, công nghệ, lĩnh vực mà chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam, làm thế nào để bảo đảm hiệu quả cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, qua đó đóng góp cho quá trình giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đối tác phát triển khác để có thể tối ưu hóa những hỗ trợ của các đối tác phát triển ở Việt Nam, tránh trùng lắp cũng như tạo ra hoạt động hợp lực thông qua hợp tác đối tác. Một lần nữa tôi xin chúc mừng Việt Nam vì đã có những cam kết mạnh mẽ trong chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi nghĩ rằng COP26 mới chỉ là khởi đầu của chuyến hành trình của Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Australia sẽ luôn là đối tác chặt chẽ với Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được sự thịnh vượng cũng như lộ trình phát triển kinh tế của mình.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries:

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam để có thể thực hiện những cam kết và mục tiêu trong Hội nghị COP26 ở Glasgow. Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đóng góp vào thực hiện những mục tiêu này của toàn cầu. Trong nhiều năm hoạt động ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á, chúng tôi cũng đã tập trung nhiều vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng khả năng chống chịu. Chúng tôi cũng đặt một mục tiêu cốt lõi trong chương trình đối tác của chúng tôi với Việt Nam đến năm 2030 là lĩnh vực về biến đổi khí hậu. Bản thân ADB cũng đặt ra mục tiêu hỗ trợ cung cấp tài chính khí hậu trong khu vực châu Á.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và cũng là một thành viên của ADB. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật, cũng như chia sẻ kiến thức chuyên môn và chuyển giao công nghệ. Năm nay, chúng tôi cũng có những cam kết hỗ trợ khả năng tiếp cận cho các quốc gia là thành viên của chúng tôi tới một khoản tài chính khổng lồ 100 tỷ USD từ nay cho tới năm 2030 và có thể xa hơn nữa.

Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Herve Conan:

Chúng tôi rất ủng hộ Việt Nam trong việc đưa ra những cam kết mặc dù khá tham vọng nhưng có thể mang tới sự biến chuyển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế trung hòa carbon, đáng chú ý là cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cơ quan phát triển Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này. Từ tháng 12/2021 đến giữa năm 2022, chúng tôi sẽ có một loạt hội thảo và webinar liên quan đến xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Đây là điều hết sức quan trọng nếu chúng ta muốn tạo ra những chuyển đổi cho nền kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi cho ngành năng lượng.

Thông qua những hoạt động này, chúng tôi sẽ tập trung vào các chủ đề như là xây dựng các mô hình mô phạm để chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam, tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó là các vấn đề về cơ chế tài chính. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kiến thức hiện nay của chúng tôi để giúp Việt Nam xây dựng một mô hình, đưa ra một lộ trình để có thể giảm thiểu phát thải carbon từ nay đến năm 2050.

(Theo nhandan.vn)

Xem thêm ...