Ngành thép trước nỗi lo hàng nhập khẩu giá rẻ – Kỳ II: Chủ động ứng phó
Trước thực tế khó khăn tại thị trường trong nước, bên cạnh sự chủ động của ngành thép, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng…
Tăng sức cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) – cho biết: Sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với ngành Thép, đặc biệt khi thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, được bán với giá rẻ. Trong khi đó, DN thép Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực công nghệ, tài chính kém… dẫn đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm hạn chế. Do đó, DN sản xuất thép trong nước trước hết phải tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, thương hiệu và khả năng cung ứng, dịch vụ sau bán hàng… Để hoàn thành những mục tiêu trên, DN thép phải đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến…
Tuy nhiên, việc giảm giá thành cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ dựa vào DN. Theo ông Sưa, một số chính sách của nhà nước đang khiến giá thành thép trong nước bị đội lên.
Đơn cử như thuế tài nguyên tăng từ 12% lên 15%, thuế nhập nguyên liệu cho sản xuất thép ký quỹ 20%… Thời gian tới, khi Thông tư số 41/2015/TT- BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chính thức có hiệu lực thì thủ tục hành chính còn phức tạp hơn nữa. Ví dụ: Hoạt động nhập khẩu phế liệu tùy từng trường hợp sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thu hồi, cấp phép.
Sử dụng biện pháp phòng vệ
Theo văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ, VSA cho biết, phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây, tác động xấu tới thị trường trong nước. VSA đang kết hợp cùng DN, củng cố tài liệu, khi đủ căn cứ sẽ kiện chống bán phá giá, cụ thể đối với sản phẩm tôn mạ nhập từ Trung Quốc.
Dù vậy, ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch VSA- cho rằng, thép Trung Quốc tràn vào nước ta với số lượng lớn nhưng khi đưa ra các biện pháp ngăn chặn, cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ; phải có bằng chứng rõ ràng về việc phá giá, bán giá thấp hơn thị trường nội địa, gây tổn hại, tác động xấu đến hoạt động sản xuất- kinh doanh của DN trong nước. Bên cạnh đó, VSA khuyến cáo DN cần chủ động tiếp cận thông tin trong hội nhập bởi khi hội nhập sâu, tranh tụng thương mại càng nhiều và không thể tránh khỏi.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Nguyễn Phương Nam thông tin: Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ bám sát tình hình để đưa ra những biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho DN. DN cũng cần tin tưởng và đoàn kết, chung sức vì sự phát triển của ngành Thép.
Ông Nguyễn Thanh Trung – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á:
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần có phương án phản ứng nhanh, mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước.
(Theo baocongthuong.com.vn)
Xem thêm ...
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024 22/11/2024
- Diễn đàn Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2024 07/11/2024
- Xét chọn khen thưởng trong công tác hoạt động xuất khẩu năm 2023 29/10/2024
- 8 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị về tình trạng vi phạm chất lượng ống thép 02/10/2024
- Phôi thép châu Á giữ giá trong bối cảnh giá chào hàng ổn định 14/08/2024