Cả thế giới quay lưng với thép Trung Quốc, Việt Nam không bảo hộ thì ngành thép thì chết!
Năm 2015, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thép (803,8 triệu tấn), xuất khẩu 111,6 triệu tấn thép trong đó Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 thế giới và đứng thứ nhất trong khối Đông Nam Á về nhập khẩu thép (16,3 triệu tấn).
Đó là nhận định của một chuyên gia ngành thép khi đánh giá về câu chuyện có hay không nên áp dụng thuế bảo hộ chính thức đối với mặt hàng phôi thép, thép dài và tôn mạ nếu kết thúc 200 ngày bảo hộ tạm thời sau quyết định của Bộ Công thương vào tháng 3/2016.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 6,2 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 2,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến gần 3,7 triệu tấn, trị giá 1,26 tỷ USD, chiếm 59,72% tổng lượng thép nhập khẩu.
Năm 2015, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thép (803,8 triệu tấn), xuất khẩu 111,6 triệu tấn thép trong đó Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 thế giới và đứng thứ nhất trong khối Đông Nam Á về nhập khẩu thép (16,3 triệu tấn).
Sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng liên tục trong 6 năm trở lại đây
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước còn đang chật vật và lỗ nặng, thì nguồn lực trong nước đã phải mất tới 2,3 tỷ USD để nhập khẩu thép nước ngoài.
Câu chuyện về thép Trung Quốc không chỉ là nỗi lo của các doanh nghiệp thép trong nước nói riêng mà là câu chuyện của toàn cầu.
Ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị & Triển lãm SEAISI 2016 của Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI) tại Hà Nội đầu tháng 6 đã bất ngờ bị chi phối bởi các vấn đề về nhập khẩu thép của Trung Quốc cũng như rất nhiều các biện pháp thương mại được đưa ra trong khu vực để cố gắng đẩy lùi thép nhập khẩu Trung Quốc. Một quan chức của liên đoàn Sắt thép Malaysia đã cay đắng cho rằng “các nhà máy thép của chúng tôi đang dành tất cả thời gian để tự bảo vệ mình thay vì tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi”. Trong khi đó, mặc dù các nước thành viên của Viện Sắt thép Đông Nam Á đã gây sức ép lên Trung Quốc nhưng chưa có kết quả và các nước ASEAN đã không thể “ngăn chặn làn sóng” nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 33% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2015.
Trong khi các nước Asean đang yếu ớt chống chọi với thép Trung Quốc và để cho một lượng lớn thép Trung Quốc tràn vào biên giới thì ở Mỹ vừa qua đã đánh thuế gấp 5 lần với sản phẩm thép cuộn nguội của Trung Quốc sau khi cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán sản phẩm dưới giá thị trường. Thậm chí các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ đã gửi thư lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đề nghị cấm hoàn toàn nhập khẩu thép Trung Quốc sau khi cho rằng khoảng 12.000 công nhân của ngành thép Mỹ đã mất việc làm trong vòng 1 năm qua do sự cạnh tranh không bình đẳng của thép Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 3/2016, ủy ban Châu âu đã công bố đẩy mạnh các trường hợp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn bằng cách có thể áp thuế cao hơn các sản phẩm bán phá giá của Trung Quốc. Tại Bỉ, hàng ngàn công nhân EU đã xuống đường biểu tình để phản đối lại thép Trung Quốc.
Quay trở lại với thị trường thép trong nước, sức tiêu thụ của thị trường có giới hạn và nếu không có các biện pháp ngăn chặn ngay từ bây giờ, thép Trung Quốc sẽ lũng đoạn thị trường, đẩy các doanh nghiệp thép trong nước vào tình trạng phá sản và sau đó sẽ mặc sức kiểm soát cung cầu và giá cả.
Tình hình nhập khẩu thép của Việt Nam các tháng (cột đỏ: sản lượng thép nhập khẩu đơn vị: nghìn tấn, đường đen: giá trị nhập khẩu đơn vị USD/tấn)
Thực tế các ông lớn trong ngành thép trong nước hiện nay như Hòa Phát, Hoa Sen, VNSteel, Pomina, Vinakyoei, Posco vẫn có thể có lời, nhưng với các doanh nghiệp thép thuộc sở hữu nhà nước tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Nhờ SCIC tham gia rót 1.000 tỷ vào Gang thép Thái Nguyên, công ty này vẫn đang rất chật vật với khoản lỗ lũy kế 135 tỷ và gánh nặng nợ vay hơn 6.000 tỷ, nhờ có thuế bảo hộ áp dụng từ ngày 22/3, Tisco bắt đầu có lãi trở lại, mức lãi 52 tỷ đồng trong quý 1.
Tổng công ty thép (VNSteel) mặc dù doanh số bán thép đứng đầu thị trường (23% thị phần) với doanh thu quý 1/2016 gần 4.400 tỷ nhưng cũng chỉ lãi chưa đầy 12 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 99 tỷ), với con số lãi mong manh 12 tỷ, nếu sản lượng thép bán hàng của VNSteel bị chèn ép bởi thép Trung Quốc thì hàng nghìn tỷ đồng đầu tư của Nhà Nước sẽ không mang lại hiệu quả.
Ngành thép là một trong các ngành công nghiệp chủ lực của nước nhà và là một trong các ngành còn sống sót và phát triển được đến thời điểm hiện tại, ngoài ra số nhân công làm việc trong ngành thép cũng lên tới hàng trăm nghìn người, đánh giá về thép Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thép ông Hồ Nghĩa Dũng trả lời báo chí cũng cho rằng việc nhập khẩu một lượng lớn phôi thép và thép dài từ nước ngoài vào Việt Nam nếu không được xem xét kịp thời sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các cơ sở sản xuất phôi thép cũng như thép xây dựng nói riêng và cả ngành công nghiệp thép trong nước nói chung.
(Trích nguồn: http://ndh.vn/ca-the-gioi-quay-lung-voi-thep-trung-quoc-viet-nam-khong-bao-ho-thi-nganh-thep-chet–20160620071047144p150c168.news)
Xem thêm ...
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 11/2024 16/12/2024
- Giá phôi thép châu Á giảm do giá chào hàng cạnh tranh, nhu cầu suy yếu 28/11/2024
- Giá phôi thép Đường Sơn tăng 7 đô la/tấn so với tuần trước 26/11/2024
- Thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á suy yếu 22/11/2024
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 10/2024 21/11/2024