Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chúng ta đều biết việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng để giảm phát thải khí CO2. Chính vì vậy, cần phải áp dụng nhiều công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường.
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. |
“Các quốc gia cần phối hợp với nhau để đảm bảo sự phát triển đồng đều, và có sự cam kết về biến đổi khí hậu trong nhiều bối cảnh khác nhau”, ông nói và cho biết thêm, trong năm 2024, chính phủ đã có những chính sách quản lý tốt hơn đối với các bên, đây là tín hiệu tích cực để ngành thép có thể phục hồi trong thời gian tới. Các công ty thép tại Việt Nam phải nỗ lực hết mình để có thể giảm phát thải cacbon, tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế và trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ, trao đổi thông tin đa chiều, thông tin về quy định chính sách, pháp luật của Việt Nam, khu vực và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.
Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thông tin, công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước phát triển và có nhiều đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển và trở thành một trong nhà sản xuất hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023 với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Ngành thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện,… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp. “Có thể nói, phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á nói chung và ngành thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu – COP26”, ông Cường nhìn nhận.
Hội nghị và Triển lãm sẽ tiếp tục các hoạt động từ ngày 13 đến 16/5/2024. Sau đây là một số hình ảnh ngày khai mạc Hội nghị:
(Theo congthuong.vn)