Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo quyết định sơ bộ khẳng định thép các bon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Hàn Quốc và Đài Loan
Ngày 02 tháng 7 năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ - CORE) và thép cán nguội (CRS) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan) và Hàn Quốc. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Vụ việc này được Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 02 tháng 8 năm 2018.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng 3 vụ điều tra AD và CVD đối với CORE và CRS của Hàn Quốc và điều tra AD với CRS của Đài Loan. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan, cụ thể:
CORE: Hàn Quốc: 28,28% (AD) 1,19% (CVD)
Đài Loan: 10,34% (AD)
CRS: Hàn Quốc: 20,33% (AD) 3,89% (CVD)
Trong cả 2 vụ việc trên, Nguyên đơn đều viện dẫn đến kết luận cuối cùng của DOC trong hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với cùng sản phẩm trên từ Trung Quốc (AC CORE & CRS Trung Quốc) năm 2017 đó là quá trình sản xuất từ thép cán nóng nhập khẩu – nguyên liệu chính – sang CRS và CORE tại Việt Nam là “không đáng kể” và giá trị gia tăng của hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Vì vậy, DOC cũng kết luận rằng có sự lẩn tránh thuế AD và/hoặc CVD từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Bên cạnh đó, do Hoa Kỳ xác định Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường nên DOC cũng sử dụng giá trị thay thế từ Ấn Độ để tính toán chi phí nhằm xác định giá trị sản xuất tại Việt Nam.
Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Hoa Kỳ (CBP) sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với CORE và CRS nhập khẩu từ Việt Nam mà sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD cao nhất mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho CORE và CRS có xuất xứ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc và Đài Loan.
Cụ thể, DOC cho phép áp dụng cơ chế chứng nhận:
(i) Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng CORE và CRS không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan;
(ii) Nếu doanh nghiệp không chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc do mức thuế này cao nhất để tránh trường hợp trốn thuế, cụ thể:
CORE: Trung Quốc 199,43% (AD) 39,05% (CVD)
CRS: Trung Quốc 199,76% (AD) 256,44% (CVD)
(iii) Nếu doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Hàn Quốc (vì mức thuế này cao hơn của Đài Loan).
(iv) Nếu doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Đài Loan.
Các mức thuế trên sẽ được áp dụng đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ vào ngày hoặc sau ngày 02 tháng 8 năm 2018 – ngày khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế- mà chưa được thanh khoản.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9 năm 2019.
Dưới đây là một số thông tin chung về vụ việc:
– Sản phẩm bị điều tra: thép CORE gồm một số mã HS trong nhóm: 7210; 7212; và trong nhóm: 7215; 7217; 7225; 7226; 7228; 7228.
Thép CRS gồm một số mã HS trong nhóm: 7209; 7210; 7211; 7212; 7225; 7226; 7228; 7229.
-Nguyên đơn: Nucor Corporation, ArcelorMittal USD LLC, United States Steel Corporation, California Steel Industries and Steel Dynamics (chỉ yêu cầu điều tra thép CORE), AK Steel Corporation (chỉ yêu cầu điều tra thép CRS). Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài – Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hà Nội
Điện thoại: (024)222. 05012; Fax: (024)222.05003
Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại
Xem thêm ...
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024 22/11/2024
- Mời viết bài: Hội nghị & Triển lãm SEAISI 2024 tại Đà Nẵng – Việt Nam 12/12/2023
- Hội thảo “Công nghệ thép thân thiện với môi trường cho các dự án xây dựng” 07/07/2023
- THỂ LỆ VÀ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG CUỘC THI HÌNH ẢNH KẾT CẤU THÉP 17/05/2023
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 4/2023 và 4 tháng đầu năm 2023 15/05/2023