Các hoạt động của VSA và các thành viên Hiệp hội tháng 7/2021
Những hoạt động chính của Hiệp hội Thép trong tháng 7 bao gồm:
- VSA góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã nhận được công văn số 7672/BTC-CST của Bộ Tài chính gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
Trong đó, với ngành thép, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5% và giảm 5-10% mức thuế nhập khẩu thuế tối huệ quốc (MFN) của một số loại sắt thép. VSA đã có công văn số 41/2021/HHTVN gửi Bộ Tài chính góp ý cho dự thảo nói trên.
VSA và các nhà sản xuất thép Việt Nam kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm.
- Bộ Công Thương làm việc với 11 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch
Sáng 22/7/2021, Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã gặp và làm việc trực tuyến với 11 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp trong đó có Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước.
Sau buổi làm việc, VSA đã có công văn số 43/2021/HHTVN ngày 23/7/2021 gửi Cục Công nghiệp – Bộ Công thương về những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp ngành thép do tác động của đại dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 4/2021. Ngày 12/8/2021, VSA tiếp tục có thêm công văn số 49/2021/HHTVN gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương báo cáo tình hình khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp ngành thép cập nhật đến tháng 8/2021.
- VSA làm việc với Bộ Y tế về khả năng cung ứng oxy cho ngành y tế
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và mong muốn chia sẻ những khó khăn của Chính phủ và ngành y tế đang phải gánh vác. Qua khảo sát thông tin của các nhà sản xuất thép thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có buổi làm việc ngày 27/7/2021 với đại diện Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế để cung cấp thông tin chi tiết về năng lực cung cấp oxy của ngành thép cho ngành y tế khi cần thiết.
Theo đó, nhu cầu cung ứng và sử dụng hàng năm của các nhà máy luyện phôi thép của Việt Nam cần khoảng 744 triệu m3.
VSA đã gửi thông tin của từng nhà sản xuất cho phía Bộ Y tế để khảo sát và lên kế hoạch phương án triển khai cụ thể.
- VSA tham gia ý kiến với Bộ TNMT về sửa đổi QCVN32, QCVN67 bằng văn bản và tham gia các HN trực tuyến tham vấn dự thảo sửa đổi QCVN 50, QCVN 51;dự thảo ND hướng dẫn Luật môi trường; Dự thảo NĐ giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon, v.v
- VSA tham gia họp trực tuyến về việc tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển và rà soát các khó khăn, vướng mắc trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Ngày 4/8/2021, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đồng chủ trì họp trực tuyến về việc tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển và rà soát các khó khăn, vướng mắc trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam; các Hiệp hội ngành hàng: rau, quả, hồ tiêu, chè, thủy sản gỗ, thép, nhôm, nhựa, dệt may…
Song song đó, có 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, gồm: CMA-CGM, Evergreen, OOCL, COSCO (thuộc Liên minh Ocean), Hapag – Lloyd, ONE, Yang Ming, Huyndai Merchant Marine (thuộc Liên minh T.H.E) và MSC, Maersk (thuộc Liên minh 2M).
Trên thực tế, cuộc họp được tổ chức xuất phát từ tình trạng tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển (đặc biệt là tuyến vận tải đi Châu Âu, Châu Mỹ) và thiếu vỏ container rỗng tại các cảng.
Để giải quyết tình trạng bất cập trên, các Hiệp hội Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi Luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay.
Một số đại diện khác cũng đề xuất, cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng giá cước tại khu vực phía Nam và sớm có sự điều chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị, các hãng tàu có chính sách rõ ràng; cầu thị, hợp tác để giải quyết tình trạng tăng giá cước ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, cơ chế đối thoại này sẽ tiếp tục được duy trì nhiều lần trong năm để các bên có thể trao đổi, hiểu nhau và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn. Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với các doanh nghiệp dịch vụ vận tải không tàu.
Xem thêm ...
- Những hoạt động chính của Hiệp hội Thép Việt Nam trong năm 2024 và dự kiến hoạt động năm 2025 17/01/2025
- Xét chọn khen thưởng trong công tác hoạt động xuất khẩu năm 2023 29/10/2024
- Hiệp hội Thép Việt Nam làm việc với Công ty CP Thép Posco Yamato Vina 14/08/2024
- Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” ngày 06/08/2024 07/08/2024
- Thư mời tham dự Hội thảo “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” 02/08/2024