Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp
Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Trịnh Khôi Nguyên.
Thưa ông, thời gian gần đây, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh trên thị trường. Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của DN ngành thép?
– Thời gian gần đây, tình hình thị trường nguyên liệu thép trên thế giới có xu hướng tăng, đặc biệt là quặng sắt là nguyên liệu cơ bản cho sản xuất thép trong tháng 8/2020 đã tăng đến 130 USD/tấn. Bên cạnh đó, các nguyên liệu khác như: Thép phế liệu, phôi thép, cuộn cán nóng… cũng tăng giá. Trong khi nguồn quặng sắt của Việt Nam với trữ lượng khoảng hơn 1 tỷ tấn không đủ nguyên liệu để sản xuất nên ngành thép với đặc thù sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là chính phải đương đầu với áp lực tăng giá bán sản phẩm. Nhưng trên thực tế, sức mua của thị trường đang bị giảm sút mạnh, hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là thị trường BĐS bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên DN thép khó có thể tăng giá bán, dẫn đến nguy cơ thua lỗ.
Ngoài những khó khăn trên, DN ngành thép còn gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
– Thời gian qua, ngành thép luôn gặp phải những rào cản về phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, các nước Đông Nam Á. Cùng với đó, một số quốc gia có sản lượng thép lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ cũng đẩy mạnh sản xuất, khiến cho sản lượng thép trên thị trường thế giới không ngừng gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt dành cho DN thép Việt Nam. Trong khi đó, do tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất lớn trong thời gian qua dẫn đến việc, ngành thép đang rơi vào tình trạng dư thừa sản xuất, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với thị trường trong nước và mức giá bị kìm nén do sự cạnh tranh đó. Tôi cho rằng đây là khó khăn lớn và còn kéo dài.
Vậy để giải quyết những khó khăn trên cần phải làm gì, thưa ông?
– Trước hết, cần phải giải quyết được vấn đề mất cân đối về sản xuất, cung lớn hơn cầu đang trở nên trầm trọng hơn bởi khó khăn về dịch bệnh Covid-19 và thị trường xuất khẩu. Điều này cần phải có sự tác động về chính sách của Nhà nước, vì các DN sản xuất thép thiếu sự kết nối trong nội ngành, phân bố rải rác. Đã đến lúc chúng ta cần tái cơ cấu lại DN ngành thép, hạn chế việc đầu tư mới nhằm tránh việc dư thừa, cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, để tìm kiếm và xâm nhập vào thị trường mới ở châu Âu.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo Kinh tế – Đô thị)
Xem thêm ...
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 11/2024 và 11 tháng đầu năm 2024 25/12/2024
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024 22/11/2024
- Diễn đàn Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2024 07/11/2024
- Xét chọn khen thưởng trong công tác hoạt động xuất khẩu năm 2023 29/10/2024
- 8 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị về tình trạng vi phạm chất lượng ống thép 02/10/2024