Hơn 400 “ông lớn” trong ngành thép khu vực châu Á hội tụ tại Đà Nẵng
Diễn ra từ ngày 13-15/5 tại Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng, Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (2024 SEAISI Conference & Exhibition) quy tụ hơn 400 “ông lớn” trong ngành thép khu vực châu Á cùng nhiều đại biểu là chuyên gia đầu ngành, các hiệp hội liên quan tham dự.
Đây là sự kiện lớn nhất khu vực trong ngành thép, kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội giao thương, học hỏi và phát triển cho các bên tham gia, đồng thời góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của ngành thép và kinh tế khu vực.
Với chủ đề “Surviving and Thriving in the Decarbonized World” – “Tồn tại và Phát triển trong Kỷ nguyên Trung hòa Carbon”, hội nghị diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo chuyên đề giới thiệu các công nghệ sản xuất thép mới nhất và đưa ra những dự báo về nhu cầu sử dụng thép trên thế giới trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, Hội nghị là cơ hội tuyệt vời để chúng ta trao đổi về chính sách, phát triển công nghệ và thảo luận những thách thức cũng như cơ hội để tiến tới ngành thép xanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường trao tặng quà lưu niệm cho đại diện các nước tham gia Hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Theo Tiến sĩ Edwin Basson, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép thế giới: Sản xuất thép toàn cầu đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1950. Ngành thép chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi 4 xu hướng lớn bùng nổ đặc biệt sau đại dịch Covid-19, mang đến những thay đổi to lớn: tiến bộ công nghệ, biến đổi kinh tế-xã hội, địa chính trị và đặc biệt là biến đổi khí hậu; để thích ứng, cần thiết trải qua các giai đoạn cải cách và dự kiến đến năm 2050 sẽ đạt được nền kinh tế tuần hoàn dựa trên ngành thép xanh.
Theo các chuyên gia, từ năm 2015, ngành công nghiệp thép Việt Nam đã phát triển và trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại ASEAN về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép thành phẩm và xếp thứ 12 trên thế giới về sản xuất thép thô vào năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường – chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng. (Ảnh ANH ĐÀO) |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị, các cấp của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương quan tâm đến việc tạo điều kiện cho Hiệp hội Thép Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thép đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu – COP26.
“Các chuyên gia và tổ chức quốc tế quan tâm và hỗ trợ ngành thép Việt Nam nên cùng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, nguồn nhân lực và các giải pháp quản lý để xây dựng, phát triển và triển khai lộ trình trung hòa carbon”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có khu triển lãm, bao gồm các hãng thép khu vực Đông Nam Á cũng như những hãng nổi tiếng của các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất thép phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
(Nguồn: Báo Nhân dân)
Xem thêm ...
- Hội nghị và Triển lãm SEAISI 2025 17/01/2025
- Những hoạt động chính của Hiệp hội Thép Việt Nam trong năm 2024 và dự kiến hoạt động năm 2025 17/01/2025
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 11/2024 và 11 tháng đầu năm 2024 25/12/2024
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024 22/11/2024
- Diễn đàn Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2024 07/11/2024