Một số điểm mới của Chương phòng vệ thương mại trong Hiệp định TPP



Ngày 4 tháng 2 năm 2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được chính thức ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand sau 7 năm đàm phán. TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, […]

Ngày 4 tháng 2 năm 2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được chính thức ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand sau 7 năm đàm phán. TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam), được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.
Chương về các biện pháp Phòng vệ thương mại (PVTM) đảm bảo rằng các nhà sản xuất vẫn hoàn toàn có thể sử dụng các quy định về phòng vệ thương mại, bao gồm các biện pháp: tự vệ, chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD), để giải quyết các thiệt hại gây ra bởi hàng hoá nhập khẩu tăng lên một cách bất thường và đột biến, giá bán xuất khẩu thấp hơn giá bán trong nước, hoặc có sự trợ cấp đối với các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, Chương này đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại do các nước khác khởi xướng phải đảm bảo một quy trình công bằng, minh bạch bởi các nước thành viên TPP.
Bối cảnh chung
Chống bán phá giá và trợ cấp
Hiệp định TPP sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của WTO liên quan đến chống bán phá giá và chống trợ cấp, hay cũng không bổ sung thêm bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ nào. Hiệp định này tăng cường tính minh bạch và việc thực thi đúng trình tự thủ tục trong các vụ việc PVTM, ví dụ như việc thông báo bằng văn bản cho bên kia khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng một biện pháp AD/CVD, phải thông báo minh bạch và đúng trình tự thủ tục, lưu trữ tài liệu công khai và cung cấp các văn bản tài liệu không mật trong hồ sợ hành chính, và phải cung cấp các dữ liệu chính làm căn cứ đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp AD/CVD này.
Tự vệ toàn cầu
Hiệp định TPP sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia TPP theo các Hiệp định WTO và cũng không quy định bổ sung thêm quyền hay áp đặt các nghĩa vụ mới. Tuy nhiên, Hiệp định yêu cầu các nước thành viên TPP phải cung cấp bản thông báo điện tử của những thông báo theo quy định của WTO khi một thành viên quyết định khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ. Hiệp định cũng cấm các thành viên áp dụng nhiều hơn một biện pháp tự vệ đối với một sản phẩm trong cùng một thời điểm, dù đó là biện pháp tự vệ toàn cầu, biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi hay một biện pháp tự vệ đặc biệt nào khác được quy định trong Hiệp định TPP.
Cơ chế tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi
Chương Phòng vệ thương mại còn cho phép các thành viên TPP áp dụng một biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi đối với một, một số hoặc tất cả các thành viên TPP khác trong khoảng thời gian mà một mức thuế đang được xoá bỏ nếu hàng nhập khẩu từ những thành viên này tăng lên do kết quả của việc cắt giảm thuế quan. Các biện pháp này có thể duy trì tới 2 năm, với 1 năm gia hạn. Để tao điều kiện cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu, biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi phải giảm mức thuế áp dụng dần dần nếu kéo dài hơn 1 năm.
Thông báo và tham vấn
Khi tiến hành một cuộc điều tra tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi, các thành viên TPP phải thông báo cho các bên khác những cột mốc quan trọng của vụ việc điều tra như: khởi xướng, kết luận về thiệt hại nghiêm trọng, quyết định áp dụng hay gia hạn biện pháp, và một quyết định sửa đổi biện pháp này. Các thành viên cũng phải thông báo cho bên khác khi áp dụng hay gia hạn biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi.
Bồi thường
Một thành viên áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi phải bồi thường dưới hình thức các nhượng bộ có tác động thương mại tương đương hoặc tương đương với mức thuế bổ sung là kết quả của biện pháp. Ngoài ra, một thành viên đối mặt với biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi có thể đình chỉ các nhượng bộ tương đương (trả đũa), sau khi thông báo cho các bên khác, nếu các bên không thể đạt thoả thuận về bồi thường.
Các điểm mới
Hiệp định TPP tăng cường những nỗ lực để đẩy mạnh thông lệ điều tra tốt nhất trong các cuộc điều tra AD/CVD của nước ngoài. Những quy định này giúp đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu của các nước Thành viên TPP mà phải đối mặt với những cuộc điều tra phòng vệ thương mại được khởi xướng bởi các nước khác sẽ được đối xử theo một quy trình công bằng, và có thể tự bảo vệ mình trong một môi trường minh bạch. Một điểm mới khác trong Chương này là cơ hội dành cho các ngành sản xuất của một nước TPP yêu cầu biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi được áp dụng với một, một số hoặc tất cả các thành viên TPP khác nếu hàng nhập khẩu từ (những) nước này được cho là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
(tham khảo: ustr.gov)
Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài

Xem thêm ...