Nhượng bộ nhất định: Mỹ gia hạn miễn thuế nhôm, thép
Sau quyết định tăng thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và một số nước khác, Mỹ đã hoãn áp dụng quyết định này trong 30 ngày. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Mỹ hoãn tăng thuế được coi là nhằm tạm thời tránh một số khó khăn trong quan hệ thương mại.
Hoãn trong 30 ngày
Ngày 01-5, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố quyết định lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 10% và 25% đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico thêm 30 ngày (cho tới ngày 01-6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt này khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Thông báo trên được đưa ra vài giờ trước khi quyết định tạm hoãn áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng trên hết hạn vào lúc nửa đêm ngày 01-5 đối với EU, Canada, Mexico và một số nước khác. Quyết định mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, trước đó, Washington cũng đã đạt được một thỏa thuận với Hàn Quốc về việc hoãn áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép của nước này và những thỏa thuận trên nguyên tắc với Argentina, Australia và Brazil. Những nội dung chi tiết của các thỏa thuận này sẽ sớm được hoàn tất.
Tiếp đó, ngày 01-5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ W. Ross cho biết, việc Washington hoãn áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU thêm 1 tháng là nhờ kết quả từ các cuộc thảo luận nhằm làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai bên. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng W. Ross nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những cuộc thảo luận thành công về việc giảm thiểu căng thẳng thương mại nói chung”. Tuy nhiên, ông W. Ross cũng cho rằng, việc miễn thuế không nên trở thành một thông lệ, đồng thời cho biết Washington đã lên kế hoạch đánh thuế Trung Quốc, nếu phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh không thể dàn xếp việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng thương mại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Anh L.i Fox đã hoan nghênh việc Tổng thống D. Trump quyết định lùi thời hạn áp đặt thuế nhôm và thép, đồng thời nhấn mạnh việc đánh thuế nhập khẩu với các mặt hàng này của Anh là vô lý. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh BBC, Bộ trưởng L. Fox khẳng định cơ chế giải quyết vấn đề dư thừa thép của Trung Quốc trong trường hợp này là sai lầm và đòi hỏi giải pháp đa phương. Ông cho rằng việc Tổng thống Mỹ gia hạn thêm 30 ngày sẽ giúp Anh có thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận dài hạn hơn với Mỹ.
Mặc dù vậy, EU đã tỏ ý thất vọng về quyết định chỉ gia hạn miễn thuế của Washington, cho rằng điều này càng “kéo dài bất ổn”, đồng thời kêu gọi Mỹ miễn trừ vĩnh viễn các khoản thuế kể trên. Tuyên bố của EU có đoạn: “Quyết định của Mỹ càng kéo dài bất ổn trên các thị trường, thực tế vốn đã tác động tới các quyết định kinh doanh. EU lẽ ra phải được miễn trừ hoàn toàn và vĩnh viễn các khoản thuế đó bởi Mỹ không thể lấy các lý do an ninh quốc gia để áp đặt các khoản thuế đó”.
Nhượng bộ nhất định
Hôm 08-3 vừa qua, Tổng thống D. Trump đã hiện thực hóa thêm một cam kết với cử tri khi ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ EU, Canada, Mexico và một số nước khác. Tổng thống D. Trump cho rằng, chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn chịu nhiều thiệt hại do các hành động thương mại “gây hấn” của nhiều đối tác nước ngoài. Tổng thống D. Trump đã không ngần ngại chỉ ra các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, Nga và ngay cả đối tác thân cận là EU đã gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ.
Quyết định này của Tổng thống D. Trump đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu. EU và các đồng minh khác của Mỹ không chỉ quan ngại các mức thuế mới này sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn lo lắng lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường thương mại quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk khẳng định các cuộc chiến thương mại đều gây ra thiệt hại cho tất cả các bên.
WTO cảnh báo về nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại trên toàn cầu, sau khi các nước lần lượt đưa ra những cảnh báo đáp trả kế hoạch tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ. Theo Tổng Giám đốc WTO R. Azevedo, hành động “ăn miếng trả miếng” sẽ đẩy thế giới vào suy thoái.
Trong khi đó, hành động của Tổng thống D. Trump cũng đã gây bất đồng trong nội bộ Mỹ khi một số nhà lập pháp Mỹ hoài nghi chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ gây cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ P. Ryan là quan chức đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch áp thuế của ông D. Trump, cho rằng quyết định này sẽ gây ra những “hậu quả không mong muốn”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ J. Flake đến từ bang Arizona cho rằng mức áp thuế mới là sự kết hợp “tai hại” giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn, gây tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Ông J. Flake cam kết sẽ đưa ra một dự thảo luật nhằm bác bỏ chính sách thuế mới.
Lo ngại làn sóng phản đối cùng với các biện pháp “trả đũa” từ các nước đối tác thương mại gần gũi, ngày 22-3, Tổng thống D. Trump đã ra lệnh tạm hoãn việc áp dụng khoản thuế nhập khẩu nhôm và thép mới đối với một số đối tác trong khi tiến hành thảo luận để tìm kiếm một giải pháp dài hạn hơn. Ngoài EU, 6 nước khác cũng được tạm thời được miễn trừ bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Tổng thống D. Trump mời tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể ngồi lại thảo luận với chính quyền Washington về “những cách thức thay thế” nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, quan ngại về một cuộc “chiến tranh thương mại” có nguy cơ bị đẩy lên cao khi ngày 30-4, EU tuyên bố sẵn sàng đối phó với các biện pháp tăng thuế của Tổng thống Trump đối với sản phẩm thép nhôm sản xuất tại EU nhập khẩu vào Mỹ trong bối cảnh hạn chót chưa áp dụng mức thuế này với EU đã cận kề.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) M. Schinas cho biết, các cuộc trao đổi với phía Washington đã được tiến hành ở “tất cả các cấp” nhằm tìm cách tránh một cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” về thuế. Song, bà M. Schinas cũng cảnh báo EU đã sẵn sàng hành động, đồng thời cho biết thêm các quan chức EU chấp nhận làm việc vào ngày nghỉ lễ 01-5 để giải quyết vấn đề này.
Trước đó, ngày 29-4, Đức, Anh, Pháp, 3 nền kinh tế lớn nhất EU đã tiến hành các cuộc thảo luận căng thẳng. Kết thúc cuộc thảo luận, Pháp cho biết 3 nước đã đi đến nhất trí rằng “EU phải sẵn sàng để hành động” nếu Washington thực sự áp thuế nhập khẩu thép lên đến 25%.
Trên thực tế, EU cũng từng lên danh sách các sản phẩm sẽ tăng thuế nhằm đáp trả động thái của Washington với những sản phẩm bao gồm xe gắn máy Harley Davidson, quần bò xanh biển và rượu whiskey ngô.
Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng, quyết định tiếp tục hoãn áp thuế thêm 30 ngày của Tổng thống D. Trump là sự nhượng bộ nhất định, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của khối kinh tế EU trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có các cuộc họp bàn về vấn đề thương mại khá căng thẳng với Trung Quốc. Động thái mới của Washington diễn ra chỉ hai ngày trước khi phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính S. Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại W. Ross, Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer cùng hai cố vấn kinh tế của Nhà Trắng là L. Kudlow và P. Navarro, lên đường tới Trung Quốc để gặp gỡ giới chức nước này nhằm tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến thương mại . Theo bà Monica de Bolle, nhà nghiên cứu cấp cao hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Tổng thống D. Trump không thể “đơn thương độc mã” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và EU hiểu điều đó. Bà Bolle nhấn mạnh, tầm quan trọng của EU đối với Mỹ lớn hơn nhiều vấn đề thương mại hay những gì liên quan tới thép và nhôm. Bà cũng cho rằng, Brussels có ảnh hưởng không thể phủ nhận về mặt chiến lược và ngoại giao, thực tế mà Washington không thể không quan tâm.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại E. Alden, làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Washington đang tìm cách tránh gây tổn hại tới hiện trạng mối quan hệ với EU khi bắt đầu các cuộc đối thoại căng thẳng với Bắc Kinh. Ông cho biết: “Phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc, bởi vậy Chính quyền Trump chỉ đơn giản là không muốn vướng vào một cuộc tranh cãi khác với EU”./.
(Nguồn tin: Tạp chí cộng sản)
Xem thêm ...
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 11/2024 16/12/2024
- Giá phôi thép châu Á giảm do giá chào hàng cạnh tranh, nhu cầu suy yếu 28/11/2024
- Giá phôi thép Đường Sơn tăng 7 đô la/tấn so với tuần trước 26/11/2024
- Thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á suy yếu 22/11/2024
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 10/2024 21/11/2024