Sở TN-MT sẽ không còn kiểm tra trực tiếp tại cảng
Ông Nguyễn Thượng Hiền - vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) - cho biết: "Sau khi ban hành các quy chuẩn, Bộ TN-MT đã tổ chức hai đợt tập huấn cho các Sở TN-MT và các tổ chức giám định.
Tiếp đến, cũng do việc kiểm tra nhà nước về chuyên ngành với phế liệu còn mới nên Bộ TN-MT có tiếp văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư về các quy chuẩn, đồng thời có văn bản đề nghị các tỉnh tăng cường nhân lực, kinh phí và trang thiết bị cần thiết cho sở TN-MT thực hiện công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện một số địa phương như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn vướng mắc trong tăng cường nhân lực tổ chức thực hiện” – ông Hiền nói.
Về vướng mắc Sở TN-MT phải kiểm tra tại cảng, không đủ nhân lực kiểm tra, quy định thiếu khả thi, ông Hiền lý giải: Bộ TN-MT và Bộ KH-CN đều thống nhất phế liệu thuộc danh mục hàng hóa nhóm hai, bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành, vì thế trong thông tư mới giao cho Sở TN-MT thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Còn việc kiểm tra tại cảng là căn cứ theo nghị định 59/2018 sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thi hành Luật hải quan, trong đó có quy định cơ quan kiểm tra chuyên ngành trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại địa điểm do người khai hải quan thông báo.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng thừa nhận hiện đang có vướng mắc về tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc bố trí nhân lực của các sở TN-MT kiểm tra chuyên ngành tại cảng.
“Vướng mắc này được Bộ TN-MT tháo gỡ trong dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sau khi nghị định này được ban hành trong những ngày tới, sẽ chỉ có tổ chức giám định, hải quan, doanh nghiệp phối hợp kiểm tra tại cảng. Sau khi có kết quả kiểm tra tại cảng sẽ gửi chứng thư giám định về cho sở TN-MT địa phương, như vậy Sở TN-MT không phải trực tiếp kiểm tra tại cảng nữa. Khi nhận được chứng thư, Sở TN-MT rà soát hồ sơ và ra thông báo kết quả kiểm tra” – ông Hiền nói.
Ngành thép lao đao
Ngành thép cũng lao đao vì thông tư mới. Trong ảnh: một dây chuyền sản xuất thép ở một nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chiều 15-1, nói về những khó khăn từ thông tư số 08 và 09/2018 của Bộ TN-MT, đại diện một doanh nghiệp (DN) sản xuất thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu than: “Thủ tục làm quá chậm, những DN nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất như chúng tôi đều lao đao và thiệt hại nặng nề. Bình quân mỗi ngày, công ty tôi cần hơn 2.000 tấn phế liệu để luyện thép nhưng do thiếu nguyên liệu nên từ giữa tháng 11-2018 đến nay, công ty phải ngưng luyện thép”.
Nhiều DN ngành thép khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã phải giảm công suất, đặc biệt có DN thép đã buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Ông Lê Văn Thung, phó cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết theo quy định trước đây, DN nhập khẩu phế liệu chỉ cần có giấy chứng nhận đạt chuẩn của cơ quan có thẩm quyền là được thông quan.
Nhưng theo hai thông tư trên thì phải có thêm giấy chứng nhận, thông báo của cơ quan quản lý nhà nước là Sở TN-MT lô hàng nhập khẩu đạt chuẩn, hải quan mới được thông quan.
Trong khi Sở TN-MT không có người, lại đi kiểm tra thủ công từng container trong khi mỗi DN nhập hàng trăm container thì không thể làm nhanh được.
Theo ông Thung, hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang tồn hàng ngàn container vì vướng thủ tục trên. Do những bất cập trên, có DN nhập khẩu thép phế liệu đã xin tái xuất vì thủ tục quá lâu.
Theo Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện có 8 nhà máy luyện thép phải nhập hàng trăm ngàn tấn phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất.
Để giải quyết khó khăn cho DN, ngành hải quan đã đồng ý cho DN được đưa container về bảo quản và lưu trữ tại kho mình để giảm bớt thiệt hại do phí lưu tàu, lưu cảng.
Cuối năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có buổi làm việc với đại diện các công ty sản xuất thép để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói trên. Cả DN và hải quan đều đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Bộ TN-MT giải quyết những bất cập trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
(Báo Tuổi trẻ)
Xem thêm ...
- Phôi thép châu Á giữ giá trong bối cảnh giá chào hàng ổn định 14/08/2024
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 7/2024 và 7 tháng đầu năm 2024 09/08/2024
- Bộ Công Thương quyết định điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc 30/07/2024
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc: AD17) 25/07/2024
- Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 11/07/2024