Thép xuất xứ Việt Nam không bán phá giá tại Hàn Quốc
Cuộc chiến bảo hộ ngành thép đang diễn ra ngày càng “nóng” khi mới đây 2 công ty thép lớn của Hàn Quốc là Hyundai và Dongkuk muốn chính phủ nước này điều tra, xem xét đánh thuế thép hình chữ H xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết phía hiệp hội đang làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, đồng thời khẳng định không có hiện tượng bán phá giá mặt hàng này.
Vừa qua, một số tờ báo lớn tại Hàn Quốc đăng tải thông tin Hyundai và Dongkuk – hai tập đoàn hàng đầu sản xuất thép của quốc gia này muốn chính phủ Hàn đánh thuế thép hình chữ H của Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào về sự việc này?
Ông Nghiêm Xuân Đa: Mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất thép hàng đầu của thế giới, Hàn Quốc cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt để bảo vệ thị trường trong nước bằng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hai tập đoàn sản xuất thép lớn của quốc gia này gồm Hyundai và Dongkuk mới đây đã bắt đầu có những động thái xem xét việc kiện chống bán phá giá thép từ Việt Nam đối với Công ty Posco SS Vina (công ty con của Tập đoàn Posco Hàn Quốc) có nhà máy thép đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với sản phẩm chủ lực là thép hình.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Hàn Quốc, năm 2018 thép hình chữ H nhập từ Việt Nam tăng hơn 10,4%, tương đương sản lượng 200.000 tấn, chiếm 55% tổng lượng thép hình chữ H nhập khẩu vào Hàn Quốc (365.000 tấn). Trong quý 1/2019, con số vẫn tiếp tục tăng với sản lượng đạt 55.000 tấn (tương ứng tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Từ đó, Hyundai và Dongkuk e ngại nếu không có biện pháp tự vệ, thép hình chữ H từ Việt Nam tràn sang gây ảnh hưởng giống Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc đã bị chế tài về số lượng và giá khiến lượng hàng nhập khẩu suy giảm và vị trí dẫn đầu đang được thay thế bởi Việt Nam.
Ông có thể dẫn chứng về mức giá cụ thể để so sánh và chứng minh thép hình chữ H từ Việt Nam không phá giá?
Vào thời điểm tháng 10.2018, thép hình chữ H bán tại thị trường này của Việt Nam là 840.000 won/tấn (khoảng 715,62 USD/tấn), trong khi của Hyundai là 860.000 won/tấn (732,66 USD/tấn). Đến tháng 5.2019, mức giá của Hyundai gần như ngang bằng với thép Việt Nam, dao động 830.000 won/tấn (707,11 USD/tấn). Do đó chúng tôi thẳng thắn bày tỏ quan điểm, không có hiện tượng bán phá giá sản phẩm này tại thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, tại thị trường Hàn Quốc, Hyundai và Dongkuk vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với 72% thị phần năm 2016, tăng lên 76% năm 2017 và 84% năm 2018. Như vậy, không thể nói thép hình chữ H từ Việt Nam gây xáo trộn, chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc họ có xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam không, thưa ông?
Năm 2018, sản lượng thép hình chữ H của Việt Nam xuất sang Hàn có tăng lên 202.000 tấn/2,689 triệu tấn nhu cầu. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc cũng xuất thép chữ H sang Việt Nam. Năm 2018 là 31.617 tấn với mức giá trung bình là 677 USD/tấn. Hầu hết các sản phẩm thép hình chữ H được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đều được nhập khẩu dưới dạng thép hợp kim mà lại có mức đơn giá nhập khẩu thấp hơn thép hình chữ H thông thường (thuế suất nhập khẩu thép hợp kim chỉ có 0%, trong khi mức thuế này là 10% đối với thép carbon).Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển rất tốt đẹp, các doanh nghiệp thép hai nước cần thiết hợp tác vì lợi ích của doanh nghiệp mình và đóng góp tích cực vào phát triển quan hệ hai nước. VSA hy vọng sẽ không xảy ra xung đột không cần thiết khi vấn đề này có thể được giải quyết thông qua sự thông hiểu và hợp tác giữa hiệp hội thép hai nước.
Gần đây ngay sau khi nắm được thông tin sự việc, VSA cũng đã có thư gửi cho Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng của Hàn Quốc, cũng như trao đổi, giải thích quan điểm của mình với Hiệp hội Thép Hàn Quốc (KOSA). Trong đó chúng tôi cũng nêu rõ, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và năm 2018, Việt Nam đã thâm hụt thương mại 29 tỉ USD so với Hàn Quốc. Nhập khẩu thép từ Hàn Quốc là 1,5 tỉ USD, trong khi xuất khẩu chỉ 200 triệu USD. Như vậy, xét về bản chất quan hệ xuất nhập khẩu thép giữa hai nước, Hàn Quốc đã xuất siêu 1,3 tỉ USD sang Việt Nam (năm 2018) – ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA.
(Theo Thanhnien.vn)
Xem thêm ...
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 11/2024 16/12/2024
- Giá phôi thép châu Á giảm do giá chào hàng cạnh tranh, nhu cầu suy yếu 28/11/2024
- Giá phôi thép Đường Sơn tăng 7 đô la/tấn so với tuần trước 26/11/2024
- Thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á suy yếu 22/11/2024
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 10/2024 21/11/2024