Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT Hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT ngày 31/7/2023 về Hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch. Thông tư này gồm 04 chương, 19 điều hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch. Thông tư này hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.
Chiến lược, quy hoạch phải thực hiện lồng ghép và nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch
Nguyên tắc và yêu cầu lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch
Nguyên tắc thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược phải tuân thủ các bước lồng ghép theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch phải tuân thủ các bước lồng ghép theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật về quy hoạch;
Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch dựa trên phân tích kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phải thể hiện trong mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược, quy hoạch
Yêu cầu lồng ghép bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sự tham gia của các bên liên quan; thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực;
Xem xét toàn diện, khách quan, liên ngành, liên vùng, dựa trên các thành tựu khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn của quốc gia và quốc tế, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, trình độ phát triển, nguồn lực của quốc gia và địa phương; tận dụng được tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu;
Phù hợp với mục tiêu, phạm vi, nội dung chiến lược, quy hoạch theo từng cấp, ngành, lĩnh vực và đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và bền vững.
Chiến lược, quy hoạch phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường.
Thông tin, dữ liệu phục vụ quá trình lồng ghép
Thông tin, dữ liệu phục vụ quá trình lồng ghép gồm:
1. Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật gần nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
2. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chiến lược có liên quan khác.
3. Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cập nhật gần nhất.
4. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan; các kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và các kế hoạch có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Các báo cáo gồm đánh giá khí hậu; ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm kê khí nhà kính; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tình hình thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai của bộ, ngành, địa phương và các báo cáo có liên quan khác.
6. Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại.
7. Quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực.
8. Các tài liệu có liên quan khác.
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược thực hiện trong quá trình xây dựng chiến lược theo các bước sau: (1) Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong thuyết minh nhiệm vụ xây dựng chiến lược; (2) Phân tích tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Xác định giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để lồng ghép vào chiến lược; (4) Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược; (5) Lấy ý kiến nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã lồng ghép.
Việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược gồm các nội dung: Lồng ghép mục tiêu của chiến lược; Lồng ghép vào nội dung của chiến lược; Lồng ghép vào quan điểm của chiến lược; Lồng ghép vào nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược.
Lồng ghép mục tiêu của chiến lược, Thông tư nêu rõ: Mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu lồng ghép vào mục tiêu của chiến lược phải hướng đến giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng các tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại; Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lồng ghép vào mục tiêu của chiến lược phải cụ thể hóa cho các ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm.
Lồng ghép vào quan điểm của chiến lược: Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải thể hiện rõ trong quan điểm phát triển của chiến lược;
Lồng ghép vào nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược: Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được lồng ghép vào các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược để thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra trong phạm vi của chiến lược. Nội dung lồng ghép cần hướng đến bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, sinh kế; giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sức khỏe người dân, các khu vực, cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương; nâng cao khả năng chống chịu của các hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời tận dụng các tác động tích cực của biến đổi khí hậu cho phát triển kinh tế – xã hội;
Các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được lồng ghép vào các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đề ra trong phạm vi của chiến lược.
Lồng ghép trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược : Xem xét lồng ghép chỉ số về thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo phạm vi của chiến lược. Việc xác định chỉ số thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính căn cứ thông tin, dữ liệu có liên quan quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch thực hiện trong quá trình lập quy hoạch theo các bước sau: (1) Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiệm vụ lập quy hoạch; (2) Phân tích tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Xác định giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để lồng ghép vào quy hoạch; (4) Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch; (5) Lấy ý kiến nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã lồng ghép.
Lồng ghép vào mục tiêu của quy hoạch: Mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải có tính dài hạn và phù hợp với xu thế chung, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của quốc gia, vùng, địa phương và của ngành, lĩnh vực; Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần được lượng hóa phù hợp với phạm vi quy hoạch.
Lồng ghép vào nội dung của quy hoạch gồm: Lồng ghép vào việc phân tích bối cảnh, dự báo xu thế phát triển; Lồng ghép vào quan điểm của quy hoạch; Lồng ghép vào phương án, phương hướng hoặc định hướng quy hoạch; Lồng ghép vào giải pháp thực hiện quy hoạch.
a) Lồng ghép vào việc phân tích bối cảnh, dự báo xu thế phát triển: Thích ứng với biến đổi khí hậu: thực trạng, diễn biến và xu hướng biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến quy hoạch và tác động của quy hoạch đến ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh nghiệm thực tiễn trong nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn; tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại;
b) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: hiện trạng, xu hướng phát thải khí nhà kính; các nỗ lực thực hiện, ứng dụng khoa học và công nghệ, các thách thức trong thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia, vùng, địa phương và của ngành, lĩnh vực;
c) Lồng ghép vào quan điểm của quy hoạch: Quan điểm của quy hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu phải rõ ràng, có tính dài hạn và khả thi; phù hợp với xu thế chung, chính sách, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển của quốc gia, vùng, địa phương và của ngành, lĩnh vực;
d) Lồng ghép vào phương án, phương hướng hoặc định hướng quy hoạch: Dựa trên đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội và lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương để lồng ghép các giải pháp ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu là các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hoặc cả hai nội dung nêu trên;
Các ngành, lĩnh vực có lợi thế: dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu, xem xét phương án quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, lĩnh vực phù hợp, gồm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các phương thức chuyển đổi khác phù hợp với quy hoạch; hệ thống hạ tầng kỹ thuật: xem xét thay đổi các yêu cầu kỹ thuật để thích ứng với biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật bảo đảm khả năng chống chịu với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gồm thay đổi điều chỉnh hệ thống thủy lợi, quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, cảng biển, kết cấu công trình giao thông, dân cư, khu đô thị tập trung, công trình hạ tầng phòng tránh thiên tai, hạ tầng tiêu thoát lũ và các giải pháp hạ tầng kỹ thuật khác phù hợp với quy hoạch;
Giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu: hướng đến các giải pháp công trình, giải pháp dựa vào hệ sinh thái, dựa vào tự nhiên. Các giải pháp phải chú trọng đến đối tượng, khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; các hệ sinh thái quan trọng cần bảo vệ, phục hồi, đặc biệt lưu ý đến hệ sinh thái rừng, ven biển và đầu nguồn;
Huy động nguồn lực tài chính: đa dạng hóa nguồn lực đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư của khối tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư nước ngoài, quỹ tài chính và các nguồn đầu tư hợp pháp khác;
Lồng ghép vào giải pháp thực hiện quy hoạch:
Giải pháp về chính sách: cần mang tính đột phá, thúc đẩy và đa dạng nguồn đầu tư trong ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ khối tư nhân, quốc tế và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác;
Giải pháp về khoa học và công nghệ: nghiên cứu khoa học, đổi mới, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng giảm sử dụng năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng và tái sử dụng tài nguyên; dự báo, cảnh báo sớm về rủi ro thiên tai, dịch bệnh; các giải pháp khoa học và công nghệ khác;
Giải pháp về hợp tác quốc tế: đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thu hút các nguồn hỗ trợ đầu tư quốc tế phục vụ phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Giải pháp về đầu tư công trình, giải pháp liên kết liên vùng, liên tỉnh, liên ngành, phát huy tri thức, kinh nghiệm bản địa và các giải pháp khác.
Lồng ghép trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của quy hoạch: Xem xét lồng ghép chỉ số về thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉ tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo phạm vi của quy hoạch. Việc xác định chỉ số thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính căn cứ thông tin, dữ liệu có liên quan quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Việc lấy ý kiến nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu lồng ghép vào dự thảo quy hoạch được thực hiện đồng thời với lấy ý kiến dự thảo quy hoạch.
Về quy định chuyển tiếp, Thông tư nêu rõ: Đối với chiến lược, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch.
Đối với chiến lược, quy hoạch đã lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà điều chỉnh chiến lược, quy hoạch thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư này đối với nội dung điều chỉnh của chiến lược, quy hoạch.
Đối với chiến lược, quy hoạch chưa lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà điều chỉnh chiến lược, quy hoạch thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2023.
Nội dung Thông tư xin xem tại đây.
(Theo https://monre.gov.vn)
Xem thêm ...
- Thông tin về quy định xuất khẩu phế liệu thu hồi từ Châu Âu về làm nguyên liệu sản xuất. 06/12/2024
- Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 06/12/2024
- Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng 11/09/2024
- Bộ Công Thương quyết định điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc 02/08/2024
- Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 08/05/2023