Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 9/2023 và 9 tháng đầu năm 2023



Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm ghi nhận một số điểm sáng về một số chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước ban hành, trong đó có hoạt đông giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng nhìn chung, nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.

Tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép:

  • Quặng sắt loại 62%Fe: Giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 4/10/2023 giao dịch ở mức 120 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm 6USD so với thời điểm giữa tháng 9/2023.
  • Than mỡ luyện cốc: Giá than cốc loại 62%CSR FOB Bắc Trung Quốc đầu tháng 10/2023 giao dịch ở mức khoảng 325 USD/tấn FOB, tăng 20USD so với mức giá giao dịch giữa tháng 9/2023. Giá than cốc loại 62%CSR FOB Bắc Trung Quốc giao dịch bình quân Quý III/23 ở mức 306 USD/tấn, giảm 6,3% so với Quý II/2023. Trước đó, giá giao dịch bình quân Quý II/23 là 327 USD/tấn, giá bình quân quý I/2023 là 414 USD/tấn và giảm 45% so với cùng kỳ 2022. Mức giá giao dịch bình quân 9 tháng đầu năm 2023 đạt 349 USD/tấn, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
  • Thép phế liệu: Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 4/10/2023 ở mức 385 USD/tấn giảm 2USD so với giữa tháng 9/2023. Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á bình quân Quý III là 368 USD/tấn, giảm 7,2% so với Quý II/2023, giá giao dịch bình quân 9 tháng đầu năm 2023 đạt 395 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Điện cực graphite: Thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, giá cho các điện cực giữ ở mức ổn định, có xu hướng tăng ở thị trường Trung Quốc. Trong Quý II/2023, giá than điện cực loại UHP600 dao động khoảng 6.000 $/t FOB xuất khẩu của Trung Quốc.
  • Cuộn cán nóng HRC: Giá HRC ngày 4/10/2023 ở mức 530 USD/Tấn, CFR Việt Nam, giảm 7USD/tấn so với giá giao dịch giữa tháng 9/2023.

Tình hình sản xuất – bán hàng các sản phẩm thép:

Tháng 9/2023:
– Sản xuất thép thành phẩm đạt 2,344 triệu tấn, tăng 2,41% so với tháng 8/2023 nhưng giảm 4,2% so với cùng kỳ 2022;
– Bán hàng thép các loại đạt 2,187 triệu tấn, tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ 2022;

Tính chung Quý III năm 2023:

  • Sản xuất thép thành phẩm đạt 7,036 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Bán hàng thép thành phẩm đạt 6,457 triệu tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,062 triệu tấn, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023:

  • Sản xuất thép thành phẩm đạt 20,179 triệu tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Bán hàng thép thành phẩm đạt 18,978 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,961 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm thép:

Tình hình nhập khẩu:

  •  Tháng 8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,287 triệu tấn thép tăng 18,17%% so với tháng 7/2023 và tăng 63,97% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 937 triệu USD tăng 11,22% so với tháng trước và tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 7,927 triệu tấn với trị giá hơn 6,538 tỷ USD, giảm 3,18% về lượng và giảm 26,15% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
  • Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (57,18%), Nhật Bản (16,06%), Hàn Quốc (8,87%), Đài Loan (6,19%) và ASEAN (6,13%).

Tình hình xuất khẩu:

  • Tháng 8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 988 ngàn tấn thép giảm 1,95% so với tháng 7/2023 nhưng tăng 89,52% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 706 triệu USD giảm 3,52% so với tháng trước nhưng tăng 54,16 % so với cùng kỳ năm 2022.
  • Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 7,38 triệu tấn thép tăng 24,44% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5,694 tỷ USD giảm 6,39% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (31,64%), Khu vực EU (25,44%), Hoa Kỳ (9,71%), Ấn Độ (5,46%) và Brazil (3,39%).

(Trích Bản tin Hiệp hội Thép tháng 10/2023)

Xem thêm ...