Tọa đàm định giá carbon – Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam



Ngày 27/9, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức Tọa đàm “Định giá carbon – Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam”.

Tổng lượng khí thải cả nước dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030

Trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính. Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP 26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2)cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012. Sau đó, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng và Nghị quyết 50-NQ/CP năm 2021 Chính phủ đã bao gồm xây dựng thị trường carbon trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước. Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong đó bao gồm 1662 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 70 cơ sở thuộc ngành Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành Xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

Ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu chia sẻ, định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính. Trong đó thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.

Ở quy mô quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang đề xuất và chuẩn bị thí điểm thực hiện cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan tới giảm phát thải buộc doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và sẽ đánh thuế carbon trong trường hợp nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định.

Giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2023 (chưa nộp thuế thực tế) cho các ngành gồm xi măng, nhôm, phân bón, sản xuất điện, sắt và thép, từ năm 2026, CBAM sẽ chính thức được áp dụng. Phạm vi các ngành sản xuất phải tuân thủ CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai nên sẽ đặt ra không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và quốc tế. Tuy nhiên việc vận hành thị trường carbon cũng sẽ là một lợi thế để các sản phẩm sản xuất nội địa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường này.

Kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế

TS. Trương An Hà, Chuyên gia nghiên cứu (Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam) cho biết, với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Dựa trên phân tích tình hình hiện tại và những bài học kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam gồm: Xác định rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp; Thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển kinh tế, xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam; Thiết lập hạn ngạch phát thải theo hướng để thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải; Thử nghiệm trao đổi hạn ngạch phát thải với các lĩnh vực dễ đo lường, giám sát như điện, công nghiệp, tòa nhà… trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác và có các điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tác động không mong muốn; Xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để đảm bảo hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn thành lập các quỹ và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm thiểu tác động kinh tế đối với các nhóm dễ bị tổn thương; Nâng cao năng lực các cấp (cơ quan quản lý, vận hành thị trường cacbon, ngành chủ quản, cơ sở phát thải) về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, giám sát, xác minh, cách tham gia đấu giá, trao đổi hạn ngạch…

Các chuyên gia tham gia tọa đàm cũng cho rằng với cường độ carbon hiện tại của nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng lớn để hình thành thị trường carbon và chứng minh hiệu quả của thị trường này trong việc giảm phát thải, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

(Theo congthuong.vn)

Xem thêm ...