Tổng quan thị trường thép toàn cầu – Tháng 7/2018
Thị trường thép toàn cầu đến thời kỳ bị tác động bởi các biện pháp thương mại
- Quyết định của Hoa Kỳ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% với nhôm vào ngày 1/6 vì lý do an ninh quốc gia đã thôi thúc một loạt các mối đe dọa và biện pháp trả đũa và gây ra lo ngại về “cuộc chiến thương mại”. Ý niệm “bạn” hay “thù” đã bị dứt bỏ kể cả những đối tác lâu dài của Mỹ, như châu Âu, Canada và Nhật Bản, đều phải chịu thuế này.
- Tác động lớn nhất của thuế quan đến nay là sự bất ổn định được tạo ra từ những đề xuất liên tục về xung đột thương mại. Châu Âu đã đưa ra các biện pháp tự vệ trả đũa kéo dài tới 200 ngày.
- Với sản lượng thép thô ở mức kỷ lục, triển vọng sản lượng thậm chí cao hơn là một mối lo ngại, đặc biệt nếu các nhà máy và thương nhân Trung Quốc buộc phải tăng xuất khẩu do hoạt động trong nước chậm hơn trong những tháng hè nóng bức.
- Ngoài ra còn có khía cạnh “hiệu ứng dây chuyền” của các rào cản thương mại. Nếu một quốc gia bị đẩy ra khỏi một thị trường, dẫn tới nó sẽ đẩy một đối thủ cạnh tranh khác trong việc theo đuổi một thị trường mới, v.v. Nếu các nước bị đẩy ra từ thị trường Mỹ buộc phải chuyển hướng nguyên liệu vào khu vực châu Á, điều này sẽ tăng thêm áp lực nguồn cung và có thể gây áp lực giảm giá thép và các kim loại khác trong những năm tới.
- Ấn Độ dường như đã biến thành khu đất bán phá giá ưa thích cho các nhà sản xuất thép không chỉ từ Trung Quốc mà còn cả Nhật Bản và Hàn Quốc, đang chuyển hướng nguồn cung từ Mỹ và Liên minh châu Âu với khối lượng lớn để đẩy lùi tác động của cuộc chiến thuế quan toàn cầu được châm ngòi bởi chính quyền Trump.
- Theo số liệu từ Hiệp hội thép thế giới, sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 881,4 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với xu hướng tăng trong sản xuất thép, công suất sử dụng trong tháng 6 tăng lên 78,5%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 (80%).
Ở các thị trường kim loại toàn cầu, thuế quan này đã gợi ra chiến lược “chờ đợi”, làm giảm sự quan tâm mua và áp lực giá. Tuy nhiên, điều này đã ít xảy ra ở Trung Quốc, nơi nhu cầu trong nước vẫn còn mạnh mẽ. Đã có một số phản ứng ban đầu trên thị trường kỳ hạn với tin tức về thuế quan, nhưng trong một vài ngày tình hình đã được cải thiện và hoạt động kinh doanh như bình thường. Tuy nhiên, giá thép dài và thép dẹt dự kiến sẽ được hỗ trợ tốt, và tồn kho thép thấp. Nhưng tiền tệ Trung Quốc suy yếu có thể lại làm cho xuất khẩu hấp dẫn hơn.
Giá thép cuộn cán nóng của Mỹ trung bình là $1.012,5/tấn xuất xưởng MidWest trong tháng 6, so với mức dưới $650/tấn xuất xưởng Ruhr ở Bắc Âu, và $643/tấn bao gồm VAT đối với HRC trong nước Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là “kẻ thù” của ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ nhưng đã bị loại khỏi hầu hết thị trường Mỹ ngay cả trước khi chính quyền hiện tại lên nắm quyền. Trung Quốc từ lâu đã đành cam chịu để không có Hoa Kỳ như một khách hàng lớn đối với thép nhưng Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc gần đây đã cảnh báo về tác động bất lợi trên thị trường trong nước là kết quả của cuộc xung đột thương mại. Ngoài thép thành phẩm, Trung Quốc đang dự tính những tác động nếu thuế quan được mở rộng. Trung Quốc xuất khẩu lò vi sóng, quạt và máy hút bụi sang Mỹ chiếm 23%, 24% và 44% trong tổng sản lượng của các sản phẩm này. Nhưng những mặt hàng gia dụng này không phải là sử dụng rất nhiều thép và sẽ không có tác động lớn đến nhu cầu thép.
Về sản phẩm thép dài
Giá thép dài phía Bắc châu Âu tăng trong tháng 7 sau một thời gian bổ sung kho hàng nhưng sự bất ổn định vẫn còn do những người tham gia thị trường cân nhắc về xu hướng giá sau kỳ nghỉ hè. Nhưng nhìn chung, triển vọng thị trường là tích cực với các đơn đặt hàng ổn định. Trong tuần thứ ba của tháng 7, giá giao dịch thép cây trung bình tại Đức và khu vực Benelux tăng lên mức Eur290-300/tấn ($336,61- 348,19/tấn).
Giá thép thanh châu Á ổn định vào cuối tháng 7 khi người bán giữ chào giá và người mua tiếp tục thu mua trong bối cảnh giá của Trung Quốc ổn định. Khách hàng ở các thị trường như Hồng Kông đang trong trạng thái chờ đợi khi người mua đã bổ sung kho hàng và những người khác dự đoán giá sẽ giảm do đồng Nhân dân tệ suy yếu và nhu cầu giảm ở Trung Quốc.
Về Cuộn thép (Coil)
Các nhà sản xuất thép dẹt ở Mỹ và châu Âu đang bắt đầu hưởng lợi từ việc tăng bảo hộ nhập khẩu trong khi các đối tác Trung Quốc của họ hiện giờ có “van an toàn” của đồng tiền suy yếu hơn, làm cho xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn trên phạm vi quốc tế. Tại Mỹ, các nhà sản xuất như Whirlpool và GM đã phàn nàn về thép của Mỹ “đắt hơn 50% so với các nước khác trên thế giới.” Do một số nhà sản xuất đang tận dụng những thay đổi để đẩy giá. Hiện tại, giá thép tấm đã gần đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua mặc dù thị trường mùa hè thường chậm lại trong tháng 7.
Tòa án thương mại quốc tế Canada đã phát hiện bằng chứng cho thấy rằng nhập khẩu cuộn và kiện cán nguội từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đang gây tổn hại ngành công nghiệp trong nước.
Tại châu Âu, các biện pháp tự vệ trả đũa đã được đưa ra vào ngày 17/7, bao gồm 23 loại sản phẩm thép nhập khẩu, và kéo dài trong 200 ngày. Điều này được thực hiện để hạn chế việc chuyển hướng thép vào EU do thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Tại châu Á, giá HRC xuất khẩu của Trung Quốc đạt trung bình $592,7/tấn FOB Trung Quốc trong tháng 6, tăng từ $588,31/tấn FOB trong tháng 5. Formosa Hà Tĩnh ở miền Bắc Việt Nam vẫn đang đàm phán với một số người mua HRC của Việt Nam cho các lô hàng tháng 9, và các nhà máy Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu, với giá giao dịch nghe nói ở mức $600 – 610/tấn FOB Ấn Độ. Các nhà máy Ấn Độ thích bán sang châu Âu hơn là sang Đông Nam Á do tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Giá CRC của Trung Quốc đã giảm do đồng nhân dân tệ suy yếu so với đô la Mỹ, cũng như chào giá và giá thầu thấp hơn.
Tại thị trường HRC Bắc Âu, giá tăng sau khi áp dụng các biện pháp tự vệ. Nhưng thị trường đã có chuyển dịch đi lên trước khi đưa ra các biện pháp này, với các nhà máy đẩy giá lên Eur580/tấn xuất xưởng Ruhr, và có thể tăng thêm trong tháng 8.
Thép phế và Nguyên liệu thô
Thị trường phế liệu nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu trong tuần kết thúc vào ngày 20/7, so với tuần trước, phần lớn do giá phế liệu giảm từ EU, trong khi hàng của Mỹ đã chống lại được áp lực giá với lượng mua khá từ Thổ Nhĩ Kỳ, mở rộng khoảng cách giá thông thường giữa nguyên liệu của EU và của Mỹ.
Thị trường châu Á vẫn ổn định với một số thay đổi cơ bản được quan sát trên thị trường. Trong bối cảnh sẵn có dồi dào nguồn phế liệu ở châu Âu và triển vọng giảm giá trong tương lai, hai giao dịch hàng hóa được báo cáo vào ngày 20/7 ở mức dưới $335/tấn CFR đối với HMS 1/2 (80:20) chất lượng cao, trong khi giao dịch thép phế liệu nguồn gốc Mỹ nghe nói được thực hiện vẫn với giá $340/tấn CFR.
Giá quặng sắt đã tách biệt lớn từ giá thép Trung Quốc, trong khi các kho cảng đã giảm xuống còn khoảng 150 triệu tấn. Giá đã tìm thấy một số hỗ trợ gần đây với hàng tồn kho giảm tại các nhà máy nhưng không có lý do để gợi sự tăng lên ở giá tiêu chuẩn, đặc biệt là với việc cắt giảm sản xuất tại chỗ.
Theo đánh giá của Platts, giá quặng sắt 62% bình quân $64,80/tấn CFR Trung Quốc, so với $65,95/tấn trong tháng 5 và $65,27/tấn trong tháng 4. Giá quặng sắt đã tách biệt lớn khỏi giá thép Trung Quốc – giá thép tiếp tục ở mức cực kỳ mạnh.
Giá than luyện kim châu Á đã giảm phần nào ở thị trường Trung Quốc. Sự quan tâm mua suy yếu do nhiều yếu tố, bao gồm sự mất giá của đồng nhân dân tệ, sự hạn chế cảng và giá than cốc luyện kim trong nước giảm. Mối lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dẫn đến sự sụt giảm liên tục của đồng nhân dân tệ và giá nhập khẩu than luyện kim có thể suy yếu hơn nữa.
Giá than luyện kim trung bình là $198,53/tấn FOB Úc trong tháng 6, tăng từ $184,83/tấn trong tháng 5. Đến giữa tháng 7, giá giảm xuống còn khoảng $180/tấn, kể từ thời điểm đó đã suy yếu hơn nữa. Các hạn chế về môi trường đang diễn ra, bao gồm việc cắt giảm sản lượng 50% nữa đối với các nhà máy thép Đường Sơn trong nửa cuối tháng 7 đã dẫn đến nhu cầu giảm hơn nữa từ các nhà máy và thương nhân. Sự mất giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng đô la đã làm giảm đáng kể nhu cầu than đường biển của Trung Quốc.
Về Thép tấm
Giá thép tấm của Mỹ tăng cao, nhìn chung thị trường khá ổn định, giá giữ ở khoảng $970/tấn xuất xưởng. Nhu cầu vẫn tốt và với dự báo nhu cầu khá trong thời gian còn lại của năm.
Đã có sự thiếu quan tâm mua thép tấm nhập khẩu trước quyết định liên quan đến biện pháp tự vệ của Ủy ban châu Âu. Các nhà nhập khẩu ít quan tâm đến việc mua từ các nước ngoài châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá nội địa.
Đầu tháng 7, giá châu Á giảm song song với các sản phẩm thép khác do ít sự quan tâm mua. Giá tăng trở lại trong tuần kết thúc vào ngày 20/7, khi sự tăng thu mua từ Hàn Quốc đã thúc đẩy nhu cầu. Giá thép tấm trong nước có khả năng không giảm nhiều trong thời gian tới mặc dù nhu cầu suy giảm theo mùa. Điều này có thể là do nguồn cung và hàng tồn kho giảm do việc cắt giảm sản lượng gần đây ở tỉnh Hà Bắc của miền bắc Trung Quốc.
Về sản lượng
Theo số liệu từ Hiệp hội thép thế giới cho thấy, sản lượng thép thô thế giới trong tháng 6 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước đạt 151,4 triệu tấn. Sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 881,4 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với xu hướng tăng trong sản xuất thép, công suất sử dụng trong tháng 6 tăng lên 78,5%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 (80%).
Sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 6 và đạt mức kỷ lục mới là 2,673 triệu tấn/ngày, tương ứng mức bình quân năm sẽ là 976 triệu tấn, tăng 17% so với 832 triệu tấn năm 2017, theo tính toán của Platts dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Trong tháng 6, Trung Quốc sản xuất 80,20 triệu tấn thép thô, tăng 7,5% so với năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 451 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng gang của nước này tăng 3,8% so với năm trước đạt 65,88 triệu tấn trong tháng 6. Trong nửa đầu năm 2018, sản lượng gang đạt 373 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm trước.
Ấn Độ lại một lần nữa đe dọa sẽ vượt qua vị trí của Nhật Bản với tư cách là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, với chỉ 150.000 tấn cách biệt trong nửa đầu năm. Tổng sản lượng trong nửa đầu năm của Ấn Độ đạt 52,83 triệu tấn, tăng 5,1%, trong khi tổng sản lượng trong nửa đầu năm của Nhật là 52,98 triệu tấn, tăng 1,3%.
EU sản xuất 87,3 triệu tấn thép thô trong nửa đầu năm 2018, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi Pháp giảm 4,4% sản lượng trong tháng 6, những thay đổi tích cực được nhận thấy ở Đức (4,6%), Tây Ban Nha (3,4%), Ý (1,5%) và Anh (11,6%).
(Sbb 7/2018)
Xem thêm ...
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 11/2024 16/12/2024
- Giá phôi thép châu Á giảm do giá chào hàng cạnh tranh, nhu cầu suy yếu 28/11/2024
- Giá phôi thép Đường Sơn tăng 7 đô la/tấn so với tuần trước 26/11/2024
- Thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á suy yếu 22/11/2024
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 10/2024 21/11/2024