Úc ban hành kết luận sơ bộ xác định ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp



Đây là vụ kiện thứ hai trong năm 2021, thép xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài đạt được kết quả tốt, đó là không bị áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp. Cụ thể, ngày 01 tháng 6 năm 2021, Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc (mã vụ việc 550). Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu măt hàng này của Việt Nam sang Úc năm 2019 đạt hơn 15 triệu USD.

Trước đó, ngày 31 tháng 03 năm 2020, Dale Seymour, Ủy viên Hội đồng chống bán phá giá khởi xướng vụ điều tra về chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm Ống thép chính xác xuất khẩu tới Úc từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan do nguyên đơn là Công ty Orrcon Manufacturing Pty Ltd (Orconn). Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường thép toàn cầu, cũng như tác động của đại dịch Covid-19, vụ kiện gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Thép trong nước sản xuất và xuất khẩu lớn đi Úc. Tại thời điểm đó, các nhà xuất khẩu về ống thép này là Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại (CDI), Công ty SeAH Việt Nam, và công ty thép VinaOne.

Trải qua hơn 15 tháng, trên cơ sở dữ liệu ngành sản xuất ống thép Việt Nam do VSA cung cấp, các nhà sản xuất/ xuất khẩu của Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ bởi phía các Bộ ngành liên quan trong việc giải trình các cáo buộc về tình hình thị trường đặc biệt (PMS); các doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh giá bán tại thị trường nội địa và giá xuất khẩu sang Úc. Quyết định sơ bộ của ADC được đưa ra vào đêm ngày 01/06/2021 đem lại chiến thắng có ý nghĩa khích lệ rất lớn với các doanh nghiệp ngành thép.  Thành công này không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của đại diện các cơ quan Nhà Nước (Chính phủ Việt Nam) do Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) làm đầu mối chủ trì triển khai, Hiệp hội Thép Việt Nam và sự đoàn kết của các doanh nghiệp Thép Việt Nam. Cụ thể nội dung quyết định sơ bộ của ADC như sau:

  • Về cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS tại Việt Nam.
  • Về cáo buộc bán phá giá và trợ cấp, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận có biên độ bán phá giá âm (không bán phá giá) và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ. Cụ thể, biên độ bán phá giá xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% tới -6,5%; biên độ trợ cấp từ 0% tới 0,01%.
  • Về mối quan hệ nhân quả, ADC kết luận hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể. Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước xuất phát từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế CBPG sơ bộ mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Hàn Quốc bị áp dụng là 6,2%; tổng mức thuế CBPG và CTC mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc bị áp dụng từ 11,9% đến 54,5%.

Nguồn: Thông báo chống bán phá giá số 2021/074 của Chính phủ Úc

Trong quá trình vụ việc diễn ra, Hiệp hội Thép Việt Nam và các nhà sản xuất/ xuất khẩu ống thép đã phối hợp để ứng phó hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành sản xuất cũng được sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương làm đầu mối trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo sự hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo đúng yêu cầu của ADC. Kết luận sơ bộ của ADC đã chứng minh hiệu quả của công tác tác phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Cơ quan điều tra nước ngoài trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Ở giai đoạn tiếp theo, ADC sẽ gửi khuyến nghị về kết luận cuối cùng để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Úc đưa ra quyết định chính thức về vụ việc.

Nguồn: http://www.trav.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&id=2a502798-21a7-4433-ac84-9cc687e52d19

Xem thêm ...

Chương trình Hội thảo và Lễ kỷ niệm “20 năm Hiệp hội Thép Việt Nam đồng hành cùng ngành thép Việt Nam – xây dựng và phát triển” Tenova nhận FAC tại Pomina Flat Steel, Việt Nam Bộ Công Thương gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, In-đô-nê-si-a, Ma-lay-xi-a và vùng lãnh thổ Đài Loan (Mã vụ việc ER01.AD01) Thông báo gia hạn cho nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu về thời gian nộp bản trả lời câu hỏi trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nguội (AD08) Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 9/2019 Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 9/2019 và 9 tháng đầu năm 2019 PHIẾU ĐÁNH GIÁ CHI PHÍ TUÂN THỦ THỦ TỤC HẢI QUAN Mời tham gia Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Campuchia Ngành thép Việt Nam với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong tình hình mới Xác định xuất xứ hàng hóa để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương Đề nghị nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu (SG05) Tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 8/2019 và 8 tháng đầu năm 2019 Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cần biện pháp gì để ngành thép phát triển ổn định Hướng Dẫn Chi Tiết Tải Foxit Reader 12.11 Bản Full Crack Mới Nhất 2024 Miễn Phí 5++ Đơn vị thiết kế website tại Hà Nội dẫn đầu 2024