Worldsteel cập nhật Triển vọng ngắn hạn năm 2023 – 2024
Hiệp hội Thép Thế giới (worldsteel) cập nhật về Triển vọng ngắn hạn cho năm 2023 và 2024. Worldsteel dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 1,8% trong năm 2023 và đạt 1.814,5 triệu tấn sau khi giảm 3,3% trong năm 2022. Năm 2024, nhu cầu thép dự kiến tăng 1,9% đạt 1.849,1 triệu tấn. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Worldsteel cho biết, nhu cầu thép đang chịu tác động của lạm phát và lãi suất cao. Kể từ nửa cuối năm 2022, hoạt động của các ngành sử dụng thép đã giảm nhiệt mạnh ở hầu hết các ngành và khu vực do cả đầu tư và tiêu dùng đều suy yếu. Tình hình tiếp tục kéo dài sang năm 2023, đặc biệt ảnh hưởng đến EU và Mỹ. Xem xét tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, kỳ vọng nhu cầu thép phục hồi vào năm 2024 sẽ chậm ở các nền kinh tế tiên tiến. Các nền kinh tế mới nổi được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển, trong đó châu Á vẫn duy trì được khả năng phục hồi.
Tình hình thị trường bất động sản Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ổn định vào cuối năm và nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương nhẹ nhờ các biện pháp của chính phủ. Triển vọng năm 2024 của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn tùy thuộc vào định hướng chính sách nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế hiện tại. Lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu có thể gây thêm biến động và không chắc chắn. Cùng với các xung đột và bất ổn trong khu vực như ở Nga và Ukraine, Israel và Palestine, cũng như những nơi khác. Điều này có thể góp phần làm tăng giá dầu và gây ra sự phân mảnh địa kinh tế hơn nữa, cả hai đều là rủi ro suy thoái.
Tổng quan
Triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi dưới ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ gây tổn hại cho cả tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu giảm nhẹ trong năm 2023 nhờ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, điều này có thể cho phép chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào năm 2024. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và tiếp tục bị đe dọa bởi nhiều yếu tố: lạm phát cơ bản vẫn tiếp diễn, giá dầu tăng.
Lĩnh vực xây dựng đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao và chi phí môi trường cao, đặc biệt là khu vực dân cư. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn tích cực và đang giảm bớt tác động ở một mức độ nào đó. Mặc dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng, lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục chậm lại do nhu cầu suy yếu. Sự phục hồi trong sản xuất ô tô sẽ tiếp tục trong năm 2023, nhờ các đơn đặt hàng từ trước và giảm bớt nút thắt trong chuỗi cung ứng, cho phép tăng trưởng cao ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực này dự kiến sẽ giảm tốc vào năm 2024.
Trung Quốc
Sự suy thoái trên thị trường bất động sản kéo dài đến năm 2023 đang đè nặng lên nền kinh tế, khiến nền kinh tế Trung Quốc chậm lại một cách bất ngờ. Doanh số bán nhà giảm đã dẫn đến những rắc rối tài chính cho các nhà phát triển bất động sản lớn, tạo ra mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình dự kiến sẽ ổn định vào cuối năm 2023 do chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế kể từ tháng 7.
Hầu hết các ngành sử dụng thép đều có dấu hiệu suy yếu kể từ quý II. Các chỉ số bất động sản chính như doanh số bán đất, doanh số bán nhà và số lượng khởi công xây dựng mới tiếp tục giảm trong năm 2023. Sự sụt giảm số lượng khởi công mới trong giai đoạn 2021-2022 đã kìm hãm hoạt động xây dựng và sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu thép năm 2024.
Mặt khác, đà tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục diễn ra trong năm 2023 nhờ nỗ lực thúc đẩy xây dựng của Chính phủ. Chính phủ có thể khởi động một số dự án cơ sở hạ tầng bổ sung. Do đó, đầu tư cơ sở hạ tầng trong cả năm 2023 và 2024 dự kiến sẽ vẫn tích cực ở mức độ vừa phải.
Động lực tăng trưởng sản xuất cũng yếu đi nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng vừa phải trong năm 2023, với mức tăng trưởng dương ở sản xuất ô tô và tăng trưởng mạnh ở ngành thiết bị gia dụng. Động lực tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất có thể suy yếu hơn nữa do thị trường bên ngoài xấu đi.
Dự kiến nhu cầu thép năm 2023 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,0% được hỗ trợ bởi đầu tư cơ sở hạ tầng và sự ổn định trong lĩnh vực bất động sản. Triển vọng năm 2024 là không chắc chắn. Thị trường bất động sản và xuất khẩu sẽ tiếp tục gây áp lực tiêu cực lên nhu cầu thép và nhu cầu thép có thể giảm nếu không có các biện pháp hỗ trợ bổ sung của chính phủ. Tuy nhiên, với giả định chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế, nhu cầu thép trong năm 2024 có thể duy trì ở mức của năm 2023. Có nguy cơ giảm cho cả năm 2023 và 2024 nếu hiệu ứng kích thích yếu hơn dự kiến.
Các nền kinh tế phát triển
Nhu cầu thép ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm 1,8% trong năm 2023 sau khi giảm 6,4% năm 2022, trong đó châu Âu đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thắt chặt tiền tệ và chi phí năng lượng cao. Năm 2024, sự phục hồi kỹ thuật có khả năng sẽ khiến nhu cầu thép tăng trưởng 2,8%.
(Nguồn: Worldsteel)
Xem thêm ...
- Hội nghị và Triển lãm SEAISI 2025 17/01/2025
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 11/2024 16/12/2024
- Giá phôi thép châu Á giảm do giá chào hàng cạnh tranh, nhu cầu suy yếu 28/11/2024
- Giá phôi thép Đường Sơn tăng 7 đô la/tấn so với tuần trước 26/11/2024
- Thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á suy yếu 22/11/2024