Ngành thép Việt trước sức ép chiến tranh thương mại Mỹ – Trung



Ngành thép đang đứng ở tốp đầu các vụ kiện phòng vệ thương mại và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu lắng xuống. Chủ động nguồn nguyên liệu và chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ là những giải pháp giúp ngành thép hạn chế các vụ kiện quốc tế không đáng có.

Doanh nghiệp Việt vươn lên

Tại Việt Nam, nhập khẩu thép từ các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng đang giảm dần qua từng năm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tỷ trọng thép Trung Quốc trong tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm dần, từ mức 60% năm 2016 xuống 40% năm 2017 và dự đoán giảm xuống còn 38% trong năm nay.

Bộ Công thương dự báo, năm 2018, ngành thép sẽ duy trì đà tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng dự kiến tăng mạnh nhất: 154%.

Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay như Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm – lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn; Công ty Tung Ho đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất công suất 600.000 tấn thép xây dựng.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát sẽ đưa vào hoạt động dự án thép cán công suất khoảng 600.000 tấn trong tháng 8-2018, đồng thời đang đầu tư xây dựng lò cao tại Quảng Ngãi, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép thanh và thép dây/năm trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ đóng góp 3 triệu tấn tôn cuộn cán nóng…

Dự án Dung Quất không chỉ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất, mà còn được cho rất đáng tự hào khi lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được thép dẹp, “thép hightech” – sản phẩm cơ bản phát triển các ngành công nghiệp nặng quan trọng như đóng tàu, xe hơi. “Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp (DN) của người Việt tự sản xuất được mặt hàng thép cuộn cán nóng”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, tự hào cho biết.

Trên thực tế, việc có nhiều dự án mới đi vào hoạt động, đặc biệt với năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam hiện nay sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa). Điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được “tai tiếng” là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ, cũng như các nước đang áp dụng những biện pháp phòng vệ với thép Việt Nam.

Bởi trước đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm qua sắt thép Việt Nam xuất khẩu đạt 3,15 tỷ USD, tăng 36% về lượng và 55% về giá trị.

Đến đầu năm 2018, nhiều DN xuất khẩu tôn mạ “choáng váng” khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế suất 25% với mặt hàng thép nhập khẩu. Động thái này được giới kinh doanh lý giải là nhằm ngăn chặn các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, được gia công hoặc tạm nhập vào Việt Nam để xuất sang Mỹ.

“Do đó, việc dự án Hòa Phát Dung Quất cũng như các DN khác đi vào hoạt động sẽ giúp sản phẩm của các DN ngành thép nội địa chứng minh truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, chống lại việc áp thuế bán phá giá”, chuyên viên ngành thép Nguyễn Thảo Vy của VietCapital Securities phân tích.

Tăng cường các biện pháp phòng vệ

Trước những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể khiến thép Trung Quốc ồ ạt đổ về Việt Nam cũng như gây khó khăn cho DN trong nước, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện nay Việt Nam nằm trong đối tượng bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Điển hình, hôm 21-5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc, sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. Vì vậy, để phòng ngừa rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của các DN thép Trung Quốc, để tránh bị nước khác lấy cớ để đánh thuế lẩn tránh.

Đối với việc xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo ông Sưa, dù những năm trở lại đây sản lượng thép đã đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy thép sang Việt Nam bằng mọi biện pháp, từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Có thời điểm, giá thép Trung Quốc chỉ bằng 20% – 30% giá thép Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã sử dụng rất tốt các biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành thép trong nước. Mặc dù mức thuế chống bán phá giá trong nước không cao như các nước, chỉ từ 10% – 30%, nhưng cũng đủ để hỗ trợ DN thép Việt Nam do hiện nay giá và chất lượng thép Trung Quốc và Việt Nam gần như tương đương nhau, hoàn toàn đảm bảo việc cạnh tranh.

“Trong bối cảnh hiện tại, các DN nên chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để tăng tính cạnh tranh cho thép trong nước song song với việc tìm hiểu kỹ các luật lệ quốc tế để có ứng xử phù hợp nhất. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định để bảo vệ ngành thép trong nước trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. Đặc biệt, nhanh chóng ngăn chặn sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng đang bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế”, ông Nguyễn Văn Sưa đề nghị.

(Nguồn tin: Sài gòn đầu tư)

Xem thêm ...