Trung Quốc chính thức đáp trả quyết định áp thuế thép, nhôm nhập khẩu của Mỹ
Mức thuế áp thêm 25% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bao gồm thịt lợn đông lạnh, rượu, một số loại hoa quả... chính thức có hiệu lực hôm 2/4.
Mức thuế này có hiệu lực vào ngày 2/4 đánh lên 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 3 tỷ USD. Trong đó, hơn 120 mặt hàng khác sẽ chịu mức thuế 15%; các mặt hàng còn lại, trong đó có thịt lợn sẽ bị áp 25%.
Con số trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong kim ngạch thương mại Trung – Mỹ. Trong năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 115,6 tỷ USD. Mặc dù vậy, việc đánh thuế này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ, trong đó có một bộ phận không nhỏ cử tri bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Hàng nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 20 tỷ USD trong năm 2017. Trong đó, thịt lợn chiếm 1,1 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 3 của thịt lợn Mỹ.
Quan trọng hơn, đây mới chỉ là động thái dạo đầu của Trung Quốc nhằm trả đũa việc ông Trump lên kế hoạch đánh thuế đối với 60 tỷ USD hàng Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể đã chuẩn bị biện pháp mạnh hơn để đáp trả. Giới chức tài chính Bắc Kinh khẳng định, mức thuế mới này là một biện pháp trả đũa đối với quyết định của ông Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm và mức thuế có thể còn bị đánh cao hơn nữa.
Dù có những ý kiến cho rằng động thái của Trung Quốc không phải quá nặng bởi 3 tỷ USD hàng hóa mới chỉ là con số nhỏ so với khoảng hơn 100 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ vào Trung Quốc nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại căng thẳng thương mại leo thang Trung – Mỹ có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế học Robert Shiller nói rằng sau động thái đánh thuế 128 mặt hàng Mỹ mà Trung Quốc đưa ra, những bất ổn xung quanh các biện pháp “ăn miếng trả miếng” thương mại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngoài ra, các con số thống kê cho thấy phần bất lợi đang ở phía Washington nếu chiến tranh thương mại nổ ra. Phần lớn hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, tức là có thể dễ dàng dự đoán thuế tăng sẽ khiến chi phí mà người Mỹ phải chịu tăng lên. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy tính, điện thoại, hàng dệt kim, các loại quần áo khác và đồ chơi.
Trong khi đó, không dễ dàng để các nhà bán lẻ Mỹ có thể tìm ra nguồn cung thay thế ngay lập tức. Giải pháp lý tưởng của ông Trump sẽ là tìm nguồn hàng thay thế từ nội địa. Nhưng đây là điều rất khó. Ví dụ, trong ngành may mặc, lực lượng lao động của Mỹ đã giảm hơn 90% kể từ năm 1990 và ngành điện tử thì mất gần 40% việc làm. Hiện nay, các việc làm này dịch chuyển sang các nước láng giềng ở Nam và Đông Nam Á hay châu Phi thì cơ hội chúng quay trở lại với Mỹ là rất mong manh.
Ngược lại, hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là các sản phẩm và linh kiện trung gian. Nhiều nhất là đậu nành, máy bay, ô tô, mạch tích hợp và đồ nhựa. Nếu đánh thuế vào những mặt hàng này, tác động sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất hơn là với người dân Trung Quốc.
(Nguồn tin: KT&ĐT)
Xem thêm ...
- Hội nghị Thị trường Thép Châu Á – Asia Steel Markets 2025 20/03/2025
- Xuất khẩu quặng sắt toàn cầu tăng nhẹ 2% trong năm 2024; các công ty khai thác có khả năng duy trì nguồn cung dồi dào 17/03/2025
- EAEU điều tra điện cực than chì nhập khẩu từ Trung Quốc 07/03/2025
- Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn kẽm (Flat-rolled products of iron alloy or non-alloy steel, plated or coated with zinc, using hot dip process (galvanized iron coils/sheets or galvanized steel coil/sheets)) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam 03/03/2025
- Tổng quan thị trường thép toàn cầu – tháng 1/2025 17/02/2025