Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cần biện pháp gì để ngành thép phát triển ổn định



Trải qua 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xuất khẩu sụt giảm mạnh với khoảng 50% so với cùng kỳ, ảnh hưởng này chủ yếu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Để hiểu rõ nguyên nhân cũng như hiệu quả của ngành thép, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đồng thời là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL).

Thời gian gần đây hầu như các doanh nghiệp sản xuất kinh (SXKD) trong ngành thép đều than khó do sức ép thị trường quá lớn. Là đại diện tiếng nói cho doanh nghiệp ngành thép, ông cho biết hiệu quả của ngành trong thời gian qua?

6 tháng đầu năm 2019, ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, cộng thêm hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Xác định được khó khăn đó, hầu như các doanh nghiệp đã định hướng cho mình những bước đi thận trọng trong kinh doanh để duy trì sản xuất, đặc biệt là bảo toàn nguồn vốn đầu tư cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động – đó là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh khó khăn.

Ông Trịnh Khôi Nguyên – Phó Chủ tịch VSA, đồng thời là Phó Tổng giám đốc VNSTEEL

Nhờ sự nỗ lực từ doanh nghiệp nên sản xuất và bán hàng thép các loại trong 6 tháng đầu năm 2019 có sự tăng trưởng lần lượt đạt 7,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tính riêng quý II/2019: Sản xuất thép các loại đạt hơn 6,5 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 7,8% so với quý I/2019. Về tiêu thụ thép các loại đạt hơn 5,9 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý I/2019 và tăng 2,7% so với quý II/2018. Đối với xuất khẩu thép các loại, trong 6 tháng đạt 1,16 triệu tấn, giảm so với cùng kỳ 2018 và quý I/2019 lần lượt là 47% và 11%.

Mặc dù tiêu thụ có tăng trưởng, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất lại sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ 2018 do tình trạng cung vượt cầu và sự biến động tăng của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá điện tăng trong thời gian qua.

Sản lượng thép xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Vậy, nguyên nhân chính có phải do sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thưa ông?

Đúng vậy. Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tổng hợp từ Trung tâm Thông tin thương mại – Bộ Công Thương, xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 235.000 tấn, với trị giá hơn 185 triệu đôla Mỹ, giảm 37% về lượng và 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 8,6% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi, năm 2018 tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này là khoảng 14%. Đáng chú ý, sản phẩm xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ là các sản phẩm thép cán nguội (CRC) và tôn mạ kim loại & sơn phủ màu chiếm khoảng 80-85% trong tổng các sản phẩm thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là điều hết sức quan ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang.

Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục kéo dài thì mặt hàng tôn, thép xuất khẩu còn ảnh hưởng đáng kể. Không những vậy, những mặt hàng thép khác và những vùng thị trường khác có nguy cơ tiếp tục trở thành đối tượng của các chính sách phòng về thương mại (PVTM) bắt nguồn từ cuộc chiến này. Ngoài ra, thị trường trong nước sẽ lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn khi sản phẩm của Trung Quốc quay đầu xuất khẩu mạnh sang Việt Nam, làm cho miếng bánh thị phần ngày càng thu hẹp- đó chính là khó khăn “kép” khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đối đầu với những bất lợi khó lường.

Khó khăn về thị trường đã làm cho hiệu quả SXKD của doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Kéo theo đó, đầu vào cho sản xuất thép còn bị ảnh hưởng nặng nề do biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất thép, điện tăng giá, làm cho chi phí giá thành sản xuất đội lên cao, từ đó sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm hoàn thiện.

Với áp lực trên, ông cho biết dự báo thị trường trong việc cân đối cung – cầu, cũng như kiến nghị trong việc nâng cấp, mở rộng đầu tư đối với doanh nghiệp trong nước?

Dư thừa nguồn cung thép trên thế giới luôn gây ra sự bất ổn của thị trường thép nói chung, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất các sản phẩm thép của Việt Nam tính đến tháng 12/2018, cụ thể:

Như vậy, ngay ở trong nước các mặt hàng thép cơ bản đều đã dư thừa công suất. Một số dự án thép lớn tiếp tục đi vào hoạt động từ năm 2019 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu. Với sức ép trên, trong ngắn hạn, VSA kiến nghị Nhà nước không phê duyệt, cấp phép thêm các dự án đầu tư mới đối với các sản phẩm thép trong nước đang có công suất dư thừa quá lớn. Với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, tránh phát sinh thêm những bất ổn cung lớn hơn cầu quá nhiều.

Đối với các sản phẩm thép như: thép cuộn cán nóng; thép xây dựng; thép cuộn cán nguội; thép không gỉ cán nguội; ống thép hàn; thép tôn mạ kim loại & sơn phủ màu khuyến cáo các doanh nghiệp chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với phía cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy định làm hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm thép nhập khẩu; đồng thời có các chính sách và biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao năng lượng nhiều, gây ô nhiễm môi trường như các lò điện cảm ứng sản xuất thép.

Về phía doanh nghiệp, để làm tốt hơn thị trường cũng như tự vệ đối với hàng nhập và xuất khẩu, ông có lời khuyên nào?

Theo quan điểm của VSA, trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, kiện lẩn tránh áp thuế chống bán phá giá và phòng vệ thương mại) là việc làm thường xuyên, kịp thời để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, cần tuân thủ những qui định của WTO. Một thực tế cho thấy, tính đến hết năm 2018, các nước trong ASEAN đã khởi kiện trên 40 vụ đối với các sản phẩm thép Trung Quốc. Cộng đồng châu Âu, Hoa Kỳ, Mỹ Latinh và nhiều nước khác cũng đã khởi xướng trên 30 vụ kiện Thương mại đối với thép Trung Quốc.

Về phía các doanh nghiệp là thành viên của VSA cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến – nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cao hơn; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế; tích cực phối hợp với các đối tác bạn hàng thị trường xuất khẩu để cập nhật thông tin, cung cấp thông tin trung thực với cơ quan điều tra các nước để bày tỏ thiện chí hợp tác.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Kim Tuyến (congthuong.vn)

Xem thêm ...