Tình hình sản xuất và bán hàng thép của các Công ty thành viên Hiệp Hội Thép Việt Nam tháng 1/2014



Ngành công nghiệp thép thế giới hy vọng là sẽ phục hồi trong năm 2014 bởi sự dẫn dắt của Châu Âu và các nước còn lại của thế giới, bù lại sự phát triển chậm lại của Trung Quốc. Tháng 1/2014

I. Thị trường thép thế giới:

Triển vọng ngành thép năm 2014:

Tiêu thụ thép ở Châu Âu ước tính tăng 2,4%, sau sáu năm suy giảm, một phần sẽ bù đắp sự sụt giảm ở Trung Quốc- nhà sản xuất thép lớn nhất chuyển từ nền kinh tế đầu tư sang nền kinh tế dịch vụ.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới rằng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm thấp hơn các nước còn lại sau lần đầu tiên là từ năm 2006. Các chuyên gia dự đoán nhu cấu tiêu thụ thép thế giới không bao gồm Trung Quốc sẽ tăng 3,5%, vượt hơn mức tăng trưởng 3% của Trung Quốc. Tăng trưởng tiêu thụ thép toàn cầu năm trước ước tính là 3%.

* Giá một số nguyên liệu và sản phẩm thép trong tháng đầu năm 2014
– Quặng sắt
Trong tháng 1/2014, giá quặng sắt có xu hướng giảm. Tại Trung Quốc giá quặng sắt 62%Fe nguồn Ấn Độ cuối tháng ở mức 123 USD/T CFR. Các nguồn tin nhận định nhu cầu về nguyên liệu thô giảm là do nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cho sản xuất trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Mặt khác, khủng hoảng tín dụng và nhu cầu thép thấp cũng ảnh hưởng tới sự sụt giảm về nhu cầu quặng sắt.

– Thép phế liệu:
Đầu tháng thị trường thế giới khá trầm lắng, giá không thay đổi so cuối tháng 12/2013 do ngày nghỉ lễ đầu năm mới và các nhà cung cấp vẫn giữ giá. Đến cuối tháng gần kỳ nghỉ tết Âm lịch giá có xu hướng giảm, đặc biệt thị trường Châu Á do nhu cầu thép thành phẩm không cao.
Tại Hàn Quốc giá giao dịch tàu phế nguồn Mỹ giảm xuống mức 385 USD/T CFR cho hàng HMS1.
Tại Đài Loan giá chào phế HMS1/2 80:20 hàng container nguồn Mỹ khoảng 350-360 USD/T CFR.
Tại thị trường Việt Nam, phế tàu Úc hàng HMS/Shredded chào ở mức 400-410 USD/T CFR, phế Nhật ở mức 390-398 USD/T cho hàng H1/H2 (50/50) và chào phế hàng container ở mức 360-370 USD/T CFR. Giá vẫn tiếp tục giảm về cuối tháng khoảng 10 USD/MT đối với hàng tàu HMS/Shredded và 5-7 USD/MT đối với hàng Nhật H1/H2.

– Phôi thép:
Trong tháng 1 giá phôi thép có giảm nhẹ so với cuối năm 2013. Tại thị trường Đông Nam Á, giá phôi cũng giảm về cuối tháng: phôi nguồn Hàn Quốc và ASEAN chào khoảng 530-540 USD/MT CFR, phôi nguồn Trung Quốc khoảng 525-530 USD/MT CFR.

– Thép dẹt
Thị trường thép dẹt, tuần đầu năm mới giá chào các nguồn nhìn chung ổn định, một số nguồn Đài Loan/Nhật điều chỉnh tăng nhẹ 5-10 USD/T so với tháng 12/2013. Các tuần tiếp theo giá giữ ổn định, một số nguồn có sự điều chỉnh giảm nhẹ.
Tại Trung Quốc giá HRC nội địa có sự điều chỉnh giảm do nhu cầu và giá quặng liên tục giảm. Giá chào cuối tháng đối với HRC SS400 size từ 3mm trở lên ở mức 530-540 USD/T FOB.
Tại Việt Nam, nhu cầu HRC trong tháng 01 ở mức thấp do nghỉ tết Âm lịch dài, cuối tháng giá CFR nguồn Trung Quốc ở mức 565-570 USD/T, nguồn Đài Loan ở mức 580 USD/T và nguồn Nhật ở mức 590-600 USD/T.

II. Thị trường thép trong nước:

Bước sang tháng đầu tiên của năm 2014, đây là tháng giáp Tết Nguyên đán của Việt Nam và lại là năm có số ngày nghỉ trước Tết tương đối dài so với các năm trước, trong khi năm 2013 là nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng Hai do vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy nói chung và nhà máy thép nói riêng bị ảnh hưởng nhiều.
Gần như nửa cuối tháng 1/2014, các công trình tạm dừng thi công, các dự án tạm dừng tiến độ nên sản lượng bán hàng thép của các doanh nghiệp không lạc quan so với các tháng trước và so với cùng kỳ năm 2013 như nhận định ước tính cuối tháng trước.

II.1. Sản xuất & bán hàng thép xây dựng:
Tình hình sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 1/2014:
– Sản xuất thép xây dựng của các công ty thép trong Hiệp Hội tháng 1/2014 đạt 319.975 tấn, so với tháng trước giảm 29,14%, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 5,26%.
– Lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 1/2014 chỉ đạt 235.119 tấn, so với tháng trước giảm 36,49%, và so với cùng kỳ 2013 giảm 41,78%.
Lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính tới 31/01/2014 là 436.748 tấn, số lượng thép tồn kho tháng này khá cao do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán, tiêu thụ thép giảm, lượng thép này sẽ gối đầu cho thị trường thép trong nước tháng tới.

Về giá bán thép xây dựng trong nước:
Giá bán lẻ thép trong nước bao gồm cả miền Bắc và miền Nam không có biến động nhiều. Tuy nhiên, ở phía Bắc vào những ngày của nửa cuối tháng 1/2014 để tăng sản lượng bán hàng của doanh nghiệp nên đã điều chỉnh giảm giá bán thép từ 150-300 đồng/kg.
Bước sang những ngày đầu của tháng 2/2014, giá bán thép của các doanh nghiệp vẫn giữ ổn định. Riêng khu vực phía Nam, giá bán thép có thể nhích lên do sự biến động của giá nguyên liệu sản xuất thép.

II.2. Sản xuất & bán hàng ống thép:
Lượng sản xuất và bán ra của các doanh nghiệp ống thép của Hiệp hội Thép Việt Nam trong tháng 1/2014 vẫn giữ được mức khá tốt. Tuy nhiên, cả sản xuất và bán hàng ống thép trong tháng 1/2014 đều giảm so với tháng trước.
– Lượng sản xuất ống thép tháng 1/2014 đạt 72.366 tấn, so với tháng 12/2013 giảm 2,99%, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 9,05%.
– Lượng ống thép bán ra trong tháng 1/2014 đạt 68.045 tấn, so với tháng 12/2013 giảm 4,02%, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 0,772%.
– Lượng tồn kho đến 31/1/2014 đạt 23.766 tấn.

Một số nhận xét:
Giá nguyên liệu đế sản xuất ống thép trong tháng 1/2014 có nhích lên một chút khoảng 10-15 USD/tấn.
Thị trường giao dịch ống thép hàn trong tháng vẫn giữ được mức khá, và giá ống thép bán ra của các nhà máy nhìn chung ổn định, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào sản xuất ống có tăng nhẹ.
Nguồn cung thép hàn tiếp tục lớn hơn cầu, nhưng một số địa phương vẫn khuyến khích tiếp nhận đầu tư nhà máy sản xuất ống thép hàn từ nước ngoài vào, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt.
Giá bán ống thép vẫn ổn định, ít biến động.

Dự báo năm 2014
– Một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Châu Âu đang có xu hướng hồi phục tốt, dự báo nhu cầu ống thép sẽ tốt hơn.
– Với những dấu hiệu tốt của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ có những tín hiệu tốt, ống thép nếu mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu thì có khả năng tăng trưởng tốt hơn.
– Tuy nhiên tình hình ống thép tháng 2 không có thay đổi lớn.

II.3. Tình hình xuất nhập khẩu thép của Việt Nam cả năm 2013
II.3.1.Tình hình nhập khẩu thép vào Việt Nam:
Theo số liệu thống kê, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam tính từ ngày 01/01/2013 đến hết 31/12/2013 đạt trên 12,727 triệu tấn (tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2012), với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 8,064 tỷ USD (tăng 0,17% so với cùng kỳ 2012).(Số liệu cụ thể của từng loại thép xin xem trong Bản tin nội bộ số tháng 2/2014)

II.3.2. Tình hình xuất khẩu thép của Việt Nam:
Tính đến hết ngày 31/12/2013, tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 2,808 triệu tấn (tăng 20,47% so cùng kỳ năm ngoài), với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,378 tỷ USD tăng hơn 345 triệu USD ~ tăng 17%. Trong tổng lượng xuất khẩu, thép mạ kim loại & sơn phủ màu, thép hình và thép dài tiếp tục tăng trưởng cao, lần lượt là 65,48%, 46,65% và 29,77%. (Số liệu cụ thể của từng loại thép xin xem trong Bản tin nội bộ số tháng 2/2014)

Như vậy, tính chung trong năm 2013, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu thép của Việt Nam đều tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. So với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt là 17% và 0,17%. Do vậy, nhập siêu của ngành thép năm 2013 là hơn 5,686 tỷ đô la Mỹ, giảm 332,128 triệu đô la Mỹ ~ giảm 5,52% so với cùng kỳ năm 2012.

Xem thêm ...