Hiệp hội Thép Việt Nam tham gia buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư



Chiều ngày 01/03/2021, Ông Nghiêm Xuân Đa- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã làm việc cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại trụ sở của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Có thể nói, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực, kịp thời nhưng do nguồn lực của đất nước còn hạn chế; dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường nên một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Trong làn sóng của đại dịch Covid 19 lần thứ ba vừa qua, nhìn chung các doanh nghiệp ngành thép cũng đã chuẩn bị và có phương án ứng phó kịp thời với phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn gánh nặng với Nhà nước, cấp chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư tại các địa bàn đơn vị để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, an sinh xã hội.

Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Đa cho rằng do dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến thị trường thép, đặc biệt việc lưu thông hàng hóa,  nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn; hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công, đặc biệt khu vực Đông Bắc (bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, v.v. Thị trường tiêu thụ thép hai tháng đầu năm 2021 ước tính giảm đến 30% so với cùng kì năm 2020.

Năm 2021, ngành thép Việt Nam đứng trước những khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Mặc dù trước đó, 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép giảm lần lượt là 10% và 11%, nhưng cả năm 2020 đã đạt được kết quả khả quan với mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cả năm 2019. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thép để đóng góp vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam đề ra.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thời gian qua để đảm bảo kiểm soát dịch an toàn và phát triển kinh tế; Tuy nhiên vẫn còn những bất cập chưa đồng bộ như phản ánh các doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề lưu thông hàng hóa từ các tỉnh trong tâm dịch đến các địa phương khác và ngược lại.

Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội tiếp tục đề xuất Cơ quan Nhà nước nghiên cứu và tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ bổ sung các doanh nghiệp trong năm 2021 như:

  • Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đảm bảo mục tiêu kép là duy trì sản xuất và thông thương hàng hóa trong trường hợp địa phương có dịch hoặc thậm chí phong tỏa.
  • Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng TMCP xem xét và ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.
  • Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp; Có các chính sách ưu đãi về thuế: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, v.v.

Đồng thời, các doanh nghiệp thép đã và đang chủ động các công tác phòng chống dịch tại cơ sở nhà máy để đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân và duy trì sản xuất ví dụ như chuẩn bị giường bệnh dã chiến tại nhà máy, sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp ca mắc Covid 19 phát sinh tại nhà máy, v.v.

 

Xem thêm ...